logo

Phiên tòa xét xử vụ chạy thận có thể kéo dài hơn dự kiến vì nhiều tình tiết “lạ”

Ngày đăng: 19/01/2019 9:46

Với việc triệu tập bà Bùi Thị Thu Hằng – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đến Tòa , chiều 16/1/2019, phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến sự cố y khoa chạy thận trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Tại phiên tòa, bà Bùi Thị Thu Hằng lần lượt trả lời các câu hỏi của HĐXX và Viện Kiểm sát liên quan đến tính hợp pháp khi BVĐK tỉnh Hòa Bình thành lập đơn nguyên Thận nhân tạo, cũng như quan điểm của Sở Y tế về việc có nhất thiết phải xét nghiệm AAMI sau khi sửa chữa hệ thống RO hay không.

Trả lời HĐXX, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết sau khi sự cố y khoa chạy thận làm 8 người chết xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017, Sở Y tế đã tổ chức cuộc họp Hội đồng chuyên môn do đích thân bà Hằng làm Chủ tịch Hội đồng.

Tại cuộc họp với nhiều thành phần tham gia, trong đó có 4 chuyên gia về lọc máu thuộc Bệnh viện Bạch Mai, đã đánh giá kết luận nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong không phải là sốc phản vệ mà phải nghĩ đến …ngộ độc. Hội đồng chuyên môn cũng loại trừ dịch lọc, vì Bệnh viện thành phố Hòa Bình và Bệnh viện Mai Châu đang cùng sử dụng nên các thành viên Hội đồng nghĩ đến nguyên nhân do nước RO.

Bà Bùi Thị Thu Hằng rời khỏi tòa án TP Hòa Bình vào chiều muộn 16/1. (Ảnh: Vnexpress)

Bà Hằng phân tích sốc phản vệ không thể xảy ra đối với hàng loạt bệnh nhân có độ tuổi và thể trạng khác nhau trong cùng một thời điểm. Tuy nhiên, theo bà Hằng, mặc dù thời điểm đó chưa thể xác định chính xác nguyên nhân xảy ra sự cố, nhưng việc xử lý sự cố của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là “phù hợp và có nhiều cố gắng”.

Nhận định này không chỉ tạo ra phản ứng của các luật sư tham gia phiên tòa, ngay cả bị cáo Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn, với hiểu biết của một bác sỹ, đã giơ tay phản đối và đề nghị HĐXX ghi nhận ngay nội dung này.

Phiên tòa trở lên nóng hơn khi các luật sư liên tục đề nghị được hỏi đại diện của Sở Y tế về các vấn đề liên quan đến việc thành lập đơn nguyên Thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, cũng như sự mâu thuẫn của 2 cơ quan chuyên môn là Sở Nội vụ và Sở Y tế tỉnh Hòa Bình.

Chủ tọa Nghiêm Hoài Anh công bố Công văn số 6466 năm 2018 của Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình khẳng định: “Việc BVĐK tỉnh Hòa Bình tự ý thành lập đơn nguyên Thận nhân tạo là không đúng với quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, bà Bùi Thị Thu Hằng cho rằng ngành Y tế cũng có những quy định đặc thù riêng, Sở Y tế đã rà soát Thông tư 41 và thấy BVĐK tỉnh Hòa Bình thành lập đơn nguyên Thận nhân tạo là “hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ được giao”. Việc thành lập này không cần báo cáo Sở Y tế xin ý kiến vì chỉ khi thành lập khoa mới áp dụng thủ tục này.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình trả lời HĐXX.

Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Thiên Sơn), người cuối cùng trong ngày được thực hiện quyền hỏi yêu cầu bà Hằng làm rõ: “Căn cứ vào đâu để đại diện Sở Y tế trả lời việc xét nghiệm AAMI sau sửa chữa là không cần thiết”. Bà Hằng trả lời: “Tôi tham khảo Bệnh viện Bạch Mai”.
Các luật sư tham gia phiên tòa liên tục “chất vấn” bà Hằng về phát ngôn này, đó cũng là lý do khiến phiên tòa chiều 16/1 kéo dài một cách bất thường. HĐXX công bố kết thúc ngày làm việc tại thời điểm 17h55’.Không khí căng thẳng thực sự khi bà Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định “không nhất thiết phải tiến hành xét nghiệm AAMI sau sửa chữa hệ thống RO”.

Sau khi lưu ý bà Hằng về tư cách đại diện Sở Y tế – đơn vị quản lý về mặt hành chính đối với BVĐK tỉnh Hòa Bình – luật sư Đinh Hương tiếp tục hỏi:

“Trong vụ án này, BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn khi giao kết Hợp đồng 315 để sửa chữa hệ thống lọc nước RO2 có điều khoản bắt buộc phải xét nghiệm AAMI sau sửa chữa để bảo đảm chất lượng nước RO cho chạy thận nhân tạo, vậy theo bà có cần thực hiện xét nghiệm AAMI theo hợp đồng giao kết giữa hai bên hay theo tham khảo của bà với Bệnh viện Bạch Mai?”

Điều ngạc nhiên là Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình lại khẳng định: “Nếu có thỏa thuận trong Hợp đồng thì thực hiện theo Hợp đồng và phải báo cho Khoa (Hồi sức tích cực – PV) để chuyển bệnh nhân chạy thận đi chạy ở nơi khác”.

Phiên tòa kết thúc muộn với đề nghị của luật sư Đinh Hương “yêu cầu thư ký ghi rõ câu trả lời vào biên bản phiên tòa”.

Diễn biến bất ngờ tại phiên tòa cho thấy nhiều khả năng phiên tòa sẽ phải kéo dài lâu hơn dự kiến. Còn việc kéo dài trong thời gian bao lâu, ngay cả người tiến hành tố tụng tại phiên tòa cũng chưa thể khẳng định khi trao đổi với PV Infonet.

Theo Infonet

Tags: , ,