logo

Cận cảnh tài sản công khiến nhạc sĩ Vy Nhật Tảo và lãnh đạo TP.HCM bị khởi tố

Ngày đăng: 27/01/2019 14:38

Từ quyết định giao tòa nhà 57 Cao Thắng (quận 3) cho trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM vào 6 năm trước, lãnh đạo TP.HCM và các bên liên quan đang bị điều tra, khởi tố.

Thông tin nhạc sĩ Vy Nhật Tảo, nguyên Giám đốc trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM bị cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an khởi tố đã gây xôn xao giới văn nghệ sĩ và người hâm mộ. Ông Tảo bị khởi tố bị can về tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tài liệu điều tra xác định, ông Vy Nhật Tảo và các bị can khác là ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Trần Nam Trang, Phó Giám đốc sở Tài chính TP.HCM; ông Nguyễn Thành Rum, nguyên Giám đốc sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) TP.HCM đã có hành vi vi phạm quy định về quản lý, hoán đổi tài sản công tại trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM với công ty Diệp Bạch Dương, gây thất thoát và thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước.

Liên quan đến sự việc, ngày 26/1, PV báo Người Đưa Tin đã liên hệ với văn phòng sở Văn hóa Thể thao TP.HCM nhưng chưa nhận được câu trả lời. Trong khi đó, PV đã có mặt tại trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM để ghi nhận thông tin. Tuy nhiên, khi PV đến thì bảo vệ trung tâm không cho vào tác nghiệp vì lý do ngày nghỉ, cần liên hệ ban giám đốc trước.

Hồ sơ điều tra - Cận cảnh tài sản công khiến nhạc sĩ Vy Nhật Tảo và lãnh đạo TP.HCM bị khởi tố (Hình 2).
Bên trong tòa nhà 57 Cao Thắng.

Một bảo vệ của trung tâm này cho biết: “Cơ quan này chỉ làm việc hành chính, hôm nay là ngày nghỉ nên không có ai. Chỉ có một nhóm múa do nhà hát thuê đang tập luyện bên trong để biểu diễn trong vài ngày tới”.

“Từ khi sự việc xảy ra, trung tâm vẫn hoạt động bình thường. Mặc dù biết tin giám đốc cũ của trung tâm bị bắt, anh em cũng buồn và có ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc này đã có ban giám đốc lo”, vị bảo vệ này cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của PV, gần 6 năm trước, vào ngày 1/3/2013, ông Vy Nhật Tảo đã công bố quyết định của UBND TP.HCM và sở VH-TT&DL TP.HCM về việc giao tòa nhà số 57 Cao Thắng, quận 3, TP.HCM cho trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM trong lễ kỷ niệm 15 năm thành lập.

Hồ sơ điều tra - Cận cảnh tài sản công khiến nhạc sĩ Vy Nhật Tảo và lãnh đạo TP.HCM bị khởi tố (Hình 3).
Tòa nhà 57 Cao Thắng nằm ở vị trí “đất vàng” của quận 3, với mặt tiền rộng.

Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM trực thuộc sở VH-TT&DL TP.HCM, được thành lập từ tháng 3/1998 theo Quyết định số 1044/QĐ-UB-NC ngày 2/3/1998 của UBND TP.HCM, từ sự sáp nhập của đoàn Ca nhạc nhẹ TP.HCM và đoàn Ca nhạc nhẹ Tháng Tám. Từ năm 2015 trở về trước, những chương trình ca nhạc vào dịp lễ hội lớn hoặc lễ hội đón chào năm mới tại TP.HCM đều do Trung tâm này thực hiện.

Bên cạnh đó, Trung tâm này còn có nhiệm vụ biểu diễn và tổ chức biểu diễn các chương trình ca múa nhạc chất lượng cao theo định hướng của Nhà nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị của TP.HCM, phục vụ đông đảo nhân dân thành phố cùng các địa phương trong cả nước; tổ chức nghiên cứu về nghệ thuật ca múa nhạc nhẹ, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ diễn viên, nhạc công, nhạc sĩ, đạo diễn, biên tập, biên đạo,… làm công tác sáng tác, biểu diễn ca múa nhạc nhẹ.

Hồ sơ điều tra - Cận cảnh tài sản công khiến nhạc sĩ Vy Nhật Tảo và lãnh đạo TP.HCM bị khởi tố (Hình 4).
Bên trong sân của tòa nhà 57 Cao Thắng.

Trong quy chế chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm cũng ghi rõ, đơn vị này phải sử dụng tốt và hợp lý có hiệu quả nguồn kinh phí của Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, có quyền chủ động tìm kiếm các nguồn thu từ các phương thức hoạt động khác trong lĩnh vực nghệ thuật, nhằm tích lũy để xây dựng trang bị cơ sở vật chất, đồng thời nâng cao đời sống cho cán bộ, viên chức và người lao động. Trung tâm còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Giám đốc sở Văn hóa và Thể thao (trước là sở VH-TT&DL TP.HCM), Phó Giám đốc sở phụ trách khối Nghệ thuật.

Về nhạc sĩ Vy Nhật Tảo (63 tuổi), nguyên Giám đốc trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM vừa bị khởi tố, ông sinh tại TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và lập nghiệp tại TP.HCM. Ông từng tốt nghiệp đại học về sáng tác (hệ tại chức) tại Nhạc viện TP.HCM, được kết nạp vào hội Nhạc sĩ TP.HCM, hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông cũng từng được tặng huy chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng văn học nghệ thuật và một số kỷ niệm chương lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Nhạc sĩ Vy Nhật Tảo có thể viết ca khúc theo nhiều phong cách, từ trữ tình quê hương đến nhạc trẻ và cả nhạc rap. Một số sáng tác của ông đến nay luôn gắn liền với tên tuổi ca sĩ như: Quang Linh, Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly,…

Bà Dương Thị Bạch Diệp, sinh năm 1948, quê gốc Bình Định nhưng lại được sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng. Bà Diệp bắt đầu vào Nam sinh sống từ sau năm 1975 và lập nghiệp tại TP.HCM. Bà Diệp được chú ý khi dấn thân vào lĩnh vực bất động sản với 4 công ty, trong số này hiện chỉ còn 2 đơn vị còn hoạt động là công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương và công ty TNHH Nam Nam Phương.

Đặc biệt có thời điểm bà Diệp nổi đình đám trong giới doanh nhân ở khu vực TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là những dự án tồn tại trên giấy và nhiều dự án đã bị Nhà nước thu hồi.

Thêm vào đó, bà còn nổi đình đám khi sở hữu chiếc siêu xe có giá 1,3 triệu USD, với biển số tứ quý 7, mang biển kiểm soát của tỉnh Bình Định.

Thời điểm cuối năm 2008, nhiều tin đồn cho rằng, doanh nhân Diệp đã bị bắt. Lúc đó có nguồn tin còn cho biết, bà Diệp đã trốn qua nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Úc, Canada, Thái Lan… rồi bị dẫn độ, câu lưu.

Bên cạnh đó, còn có tin đồn cũng cho rằng, bà Diệp nợ khủng vào thời điểm đó, như ngân hàng Phương Nam 7.000 tỷ đồng, ngân hàng Vietcombank 7.000 tỷ đồng, ngân hàng Sacombank 10.000 tỷ đồng, ngân hàng Đông Á 7.000 tỷ đồng… Thậm chí, có nguồn tin cho biết, bà Diệp rửa tiền hay nợ trên 700 triệu USD của Hàn Quốc.

Năm 1954, bà Diệp là một trong số con em cán bộ miền Nam được chọn ra Bắc học tập, sau đó bà lấy chồng và sinh con ở miền Bắc trong thời điểm cái đói hoành hành, không có gạo ăn phải ăn củ sắn, khoai lang thay cơm.

Trong thời buổi bao cấp đó, bà Diệp đã có thời gian buôn bán kinh doanh trong khối doanh nghiệp Nhà nước. Đến năm 1971, bà tốt nghiệp trường đại học Ngoại Thương Hà Nội và về công tác tại chi nhánh Thủ Công Mỹ nghệ Hải Phòng. Đến năm 1975, bà rời gia đình để đi B với nhiệm vụ theo tàu biển chở vũ khí súng đạn và một số nhu yếu phẩm chuẩn bị cho chiến trường miền Nam.

Sau này, cuộc đời không mấy thuận lợi khi bà gặp vô vàn sóng gió trong kinh doanh, trên thương trường. Đến đầu những năm 80 của thế kỷ 20, bà nghỉ chế độ theo chính sách. Thời điểm này chỉ có tài sản là căn hộ chung cư ở quận 1, TP.HCM, ngoài ra không có gì hơn.

Đến năm 1984, bà bắt đầu kinh doanh bất động sản, lúc đầu là sửa sang và bán lại căn hộ của chính mình, rồi phất lên.

Để tìm hiểu thêm thông tin, PV đã liên hệ qua số điện thoại công ty nhưng không liên lạc được.

Nhóm PV

Theo Người Đưa Tin

Tags: ,