Nhà còn lại mỗi em gái út là chưa chồng. Mấy năm nay, em cũng yêu đương chi đó nhưng chẳng tới đâu. Từ ngày dọn ra sống riêng một mình, việc làm ăn của em có vẻ khởi sắc hơn.
Vài bận qua căn hộ nơi em thuê trọ, nhìn cảnh mấy bạn trẻ sống độc lập, tự tin và rất biết hưởng thụ cuộc sống ấy, mà mừng. Ít ra thì em cũng đã có thể vượt qua những chông chênh của gia đình.
Chỉ đôi khi, vẫn còn đó những nỗi niềm của một cô gái chẳng còn trẻ lắm. Tuổi đời ngày một nhiều, mà tình thì xa quá. Không chủ đích độc thân, nhưng chắc duyên em chưa tới. Thấy em dè dặt yêu đương mà e ngại. Em như con chim sợ cành cong, bởi ngày thơ bé chứng kiến bao lần cãi vã xô xát của bố mẹ. Thương em, muốn tìm một thanh niên “được được” để giới thiệu, cũng chẳng biết kiếm đâu ra…
Bố mẹ không sống cùng nhau đã vài năm rồi. Cảnh nhà lẽ ra an vui, nếu như người lớn không vì những lỗi lầm thời tuổi trẻ mà cắn đắn mãi. Dường như, khi đã tới tuổi hưu, người ta rảnh rỗi hơn để trách cứ, hậm hực. Bố ở với anh cả, mẹ sống một mình. Em cũng ít về nhà, chỉ thường gửi đồ ăn, bánh trái cho mẹ, cho bố, cả mấy đứa cháu kêu bằng cô, bằng dì. Những anh chị khác đều ra riêng, tâm lý tránh xa cho nó lành hiện rõ. Vì em chưa chồng nên cả nhà mặc định em tới lui coi ngó mẹ. Mẹ có chuyện gì cũng hay réo em, chắc nghĩ: mấy đứa kia còn bận bịu con cái.
Hình minh họa |
Đùng cái, em bảo sắp có người yêu tới chơi nhà. Tuần sau nữa, sẽ có ba của bạn trai em, từ bên Đài Loan ghé thăm gia đình. Nếu êm xuôi thì gần cuối năm nay cưới. Em nhắc anh cả chở bố về bên mẹ vào giờ đó, ngày đó, sớm một chút để bố khỏi… lạ nhà. Mấy chữ cuối ấy khiến cho cả người nói lẫn người nghe đều giật mình bối rối. Ngôi nhà nhỏ nơi bố mẹ từng sinh sống, giờ bố trở thành khách, thật sao?
Em gọi điện cho chị kế, bảo rằng em lo. Chẳng biết hai ông bà già có nguýt háy gì nhau mấy hôm ấy không nữa. Rồi mai này cưới xin đám xá, sợ lại giận hờn cãi cọ bỏ đi, thì mệt. Em cũng không còn trẻ, chẳng có nhiều mối quan hệ, làm lại từ đầu chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Lần này có người tới xem mắt, hy vọng hai vị phụ huynh không làm hỏng đại sự của đứa con gái chậm trễ trong nhà còn sót lại…
Hôm anh chàng xứ Đài ấy tới, anh cả ngồi thấp thỏm đợi bố về cập nhật thông tin. Từ hình dáng em rể tương lai cho tới cảm nhận của bố, từ thái độ của mẹ cho tới mâm cơm có món gì đều được quan tâm. Vốn là một ông anh kiệm lời, vậy mà hôm ấy anh cả luôn miệng bình phẩm, ý kiến, lại còn cười hỉ hả. Tựa hồ như cái người sắp “thoát ế” ấy không phải là em gái, mà là anh cả vậy!
Tự dưng cả nhà thấy vụ “lấy chồng Đài Loan” không còn là điều gì ghê gớm lắm. Nhất là khi anh chàng ngoại quốc ấy còn khá trẻ, chưa từng kết hôn, làm việc tại xứ mình, biết lõm bõm tiếng Việt, lại vô cùng thân thiện. Nhà mình đâu gả bán, em nào phải sang quê người làm dâu. Thôi thì cũng tạm yên lòng.
“Mẹ mày vui vẻ lắm, tiếp đón y như khách quý, bàn cắm hoa tươi, đồ ăn ngon tuyệt”. Bố rạng ngời kể. Hẳn là mẹ cũng sẽ không móc mỉa bố câu nào, hoặc cằn nhằn bố làm rơi vãi đồ ăn, chấm nước mắm nhiều quá trong bữa cơm… Anh cả tin chắc là suy nghĩ ban đầu của mình phải đúng. Bố mẹ dẫu có hờn giận nhau, đương nhiên cũng sẽ phối hợp “diễn sâu” trong ngày vui của con cái. Chẳng phải thế gian luôn tồn tại vô số ông bố bà mẹ khác, dù đã ly hôn, thậm chí thù ghét nhau từ lâu, vẫn dẹp qua tự ái để nhìn mặt nhau, hoặc khoác tay nhau để con mình có một đám cưới trọn vẹn đó sao…
Trong nhóm chat của mấy anh chị em bắt đầu râm ran chuyện bỏ ống heo, để dành mừng cưới. Chị gái tự nhủ sẽ giảm cân chút đỉnh, sắm thêm cái váy mới cho dịp vui mừng ấy. Bọn đàn ông trong nhà thì nghĩ tới bia rượu ê hề mà không bị vợ cằn nhằn cấm đoán. Phải lâu lắm nhà mình mới có dịp để hân hoan kia mà!
Theo Gia Khánh