logo

Camry giá 45 triệu, khốn đốn ăn được món hời ô tô công thanh lý

Ngày đăng: 30/09/2019 16:57

Một loạt xe công, thuộc các cơ quan Nhà nước, được thanh lý với “giá bèo”. Bỏ ra khoảng 100 triệu là đã có thể sở hữu chiếc ô tô mang thương hiệu nổi tiếng của Nhật, Mỹ,… Tuy nhiên, đó chưa hẳn đã là một món hời.

Rẻ bèo, có xe giá trị 0 đồng

Trong tháng 9, một loạt ô tô công, thuộc các cơ quan Nhà nước, đã được thanh lý với giá rẻ bèo. Đó hầu hết là xe mang thương hiệu nổi tiếng như Toyota, Mazda, Mitsubishi, Honda, Ford,… có năm sản xuất từ 1995-2004, được đấu giá công khai với giá khởi điểm từ 40-100 triệu đồng.

Người quan tâm có thể tìm thấy những chiếc xe như Toyota Land Cruiser đời 1995 có giá khởi điểm là 12,5 triệu đồng, Toyota Corolla đời 1989 giá 25,28 triệu đồng, Toyota Camry 2004 giá 45 triệu đồng, Mazda 626 đời 1996 giá 48,7 triệu đồng, Mitsubishi Pajero GL đời 2002 giá 88 triệu đồng,…

Camry giá 45 triệu, khốn đốn ăn được món hời ô tô công thanh lý
 Vì giá quá rẻ, nên xe công thanh lý vẫn có sức hấp dẫn với nhiều người đang khao khát được sở hữu ô tô.

Như vậy, với số tiền 100 triệu đồng, khách hàng đã có thể sở hữu một chiếc ô tô Nhật, Mỹ,… thông qua đấu giá mua lại xe công thanh lý. Mức giá này chỉ bằng tiền mua một chiếc xe máy. Nhưng đây liệu có phải là một món hời?

Theo quy định, với ô tô công, khi hết niên hạn sử dụng, sẽ được bán thanh lý. Xe thanh lý với điều kiện đã sử dụng trên 15 năm, hoặc đi được 250.000km (khu vực miền núi là 200.000km), hoặc hư hỏng do tai nạn không thể khắc phục. Trong cơ sở dữ liệu của Bộ Tài chính, có khá nhiều xe giá trị còn lại chỉ 0 đồng. Đó là những xe đã phục vụ được hơn 15 năm. Tất nhiên, những chiếc xe này rồi sẽ được thanh lý. Kể cả khi giá trị trên sổ sách chỉ còn 0 đồng, xe vẫn phải qua đấu giá. Ai trả cao nhất sẽ được quyền mua. Song, hầu hết những chiếc xe này đều có giá khá rẻ.

Ý kiến từ những người am hiểu ô tô cho biết, cũng giống như mua xe cũ, cái được lớn nhất khi mua xe công thanh lý là giá rẻ. Xe càng cũ thì giá càng rẻ. Cùng với đó, thuế phí cũng giảm đi đáng kể. Mua xe cũ khi đổi tên chỉ phải chịu lệ phí trước bạ 2% trên giá trị còn lại, so với mua xe mới chịu từ 10-12% tiết kiệm được khoản kha khá. Nhưng, ngoài ra thì còn nhiều chuyện phải lo.

Thông thường, một chiếc ô tô khi xuất xưởng bán đến tay khách hàng sẽ được tính hao mòn ở mức 10% giá trị mỗi năm. Tức là, sau 10 năm chạy, giá trị còn lại của chiếc xe đó là 0 đồng. Bản thân các DN tại Việt Nam mua xe sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang tính khấu hao 10%/năm.

Còn với xe công, theo quy định hiện hành, đang tính mức khấu hao là 6,7%/năm, thấp hơn so với cách tính của các DN. Khi xe công đã cũ, hết niên hạn sử dụng thì các địa phương, bộ, ngành sẽ đề xuất bán.

Vớ được món hời?

Với công nghệ sản xuất ô tô hiện nay, cứ 3-5 năm lại có một mẫu xe mới hoặc một phiên bản mới ra đời, tích hợp thêm nhiều tính năng hiện đại, thì những chiếc xe công thanh lý được sản xuất từ năm 1995-2004 đã lạc hậu tới 3-4 thế hệ. Xe càng cũ, chất lượng càng đáng lo ngại. Khung, gầm chắc chắn không còn tốt. Hệ thống phanh, lái,… nếu không được chăm sóc đúng tiêu chuẩn, dễ có nguy cơ trục trặc. Điều đó ảnh hưởng đến độ an toàn của xe.

Camry giá 45 triệu, khốn đốn ăn được món hời ô tô công thanh lý
Tuy nhiên, qua thời gian chạy dài khiến xe cũ và dễ hỏng hóc

Việc mua được một chiếc xe cũ với chất lượng tốt, giá rẻ rất hiếm, bởi xe đã sử dụng 15 năm thì có nhiều cái quá cũ. Chắc chắn nhiều phụ tùng, linh kiện đã trở nên cũ và mòn, hỏng hóc, cần phải thay thế. Nhưng “đời” xe lại quá sâu, phụ tùng cũng không phải dễ kiếm, thường thì các hãng chỉ đảm bảo đáp ứng cho các mẫu xe sản xuất ra trong vòng 10 năm. Việc tìm kiếm phụ tùng thay thế không dễ dàng, có thể phải mua với giá cao hoặc chấp nhận sử dụng phụ tùng cũ, không kiểm soát được chất lượng.

Đấy là chưa kể xe quá cũ, tiêu hao nhiên liệu rất lớn, đặc biệt với những chiếc sản xuất từ những năm 1995-2004. Sau 15 năm sử dụng, mức tiêu hao nhiên liệu còn cao hơn nhiều. Như xe Toyota Land Cruiser, Mitsubishi Pajero sau 15 năm, mức tiêu hao nhiên liệu có thể lên tới trên 15 lít/100km.

Một khách hàng tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, kể cách đây một năm đã trúng thầu mua chiếc xe công thanh lý, thương hiệu Isuzu Trooper đời 2000 với giá 60 triệu đồng, rẻ được 40 triệu so với giá bán trên thị trường lúc đó. Hí hửng có chiếc xe khỏe để đi công việc, nhưng anh lại tốn khá nhiều tiền cho nó. Khung gầm một số chỗ bị mọt và hoen rỉ, phải gia cố lại. Nhiều linh kiện đã cũ khi mua về phải thay ngay như phanh, điều hòa, hút gió, ắc quy,… Hộp số sàn bị hỏng cấp số 5, phải sửa. Tính ra chi phí cũng hết hơn 30 triệu đồng.

Xe cũ nên chạy không ổn định, máy hay chết vặt, mỗi lần như vậy lại phải đưa vào gara sửa chữa cũng tốn kém. Đặc biệt, xe rất ngốn xăng do đã cũ và có dung tích xi lanh 3.2L, ước chừng 18 lít/100km. Cuối cùng, anh mới nhận ra chi phí không hề rẻ và chẳng tiết kiệm được chút nào.

Nếu một chiếc xe cũ do cá nhân sử dụng được bảo hành bảo dưỡng đầy đủ, thay thế linh kiện định kỳ, biết giữ xe, thì khá yên tâm về chất lượng. Nhưng với xe công lại là câu chuyện khác. Nó ít được chăm sóc như xe cá nhân. Để thay thế linh kiện hỏng hóc cũng là cả vấn đề.

Một lái xe công tại Hà Nội cho hay, trừ khi xe hỏng, không thể đi được thì mới có thể thay nhanh, còn hỏng nhẹ hay hao mòn… cứ từ từ. Đầu tiên là làm đề xuất, báo cáo, lên báo giá… rồi xin cấp trên phê duyệt, đợi kế toán xuất tiền mới đem đi sửa chữa thay thế. Đây là cả quá trình dài.

Trong khi đó, với ô tô, chỉ cần lơ là sửa chữa các chi tiết bị hỏng, hoặc cũ mòn, có thể ảnh hưởng dây chuyền sang linh kiện khác, hoặc gây nhiều tốn kém về sau. Chưa kể, tần suất sử dụng xe công cao, qua nhiều tay lái, không phải ai cũng hiểu rõ và biết bảo quản xe tốt. Vì vậy, cùng một chiếc xe như nhau, nhưng xe cá nhân vẫn giữ giá hơn xe công khi đem ra thị trường bán lại.

Đấu giá mua xe công, muốn chạy ổn định, chắc chắn sẽ phải bỏ thêm nhiều tiền, công sức, thời gian để chăm sóc nó và cũng không thể biết khi nào nó “giở chứng”. Nhưng vì giá quá rẻ, nên xe công thanh lý vẫn có sức hấp dẫn với nhiều người đang khao khát được sở hữu ô tô.

Theo Trần Thủy

Theo VietNamNet

Tags: ,