Lúc mới tập, Nguyễn Lệ Dung 23 tuổi, chỉ chạy hai phút, nâng tạ 10 cái là đứng không nổi. Sau 4 tháng, cô tự tin nâng tạ 65 kg.
5h sáng mỗi ngày, Dung và chị gái đi xe buýt đến phòng tập, bất kể thời tiết xấu cũng chưa từng bỏ buổi tập nào. Hiện cô là sinh viên chuyên ngành Bác sĩ Thú y tại TP HCM.
Dung bị suy dinh dưỡng từ lúc sinh ra nên phải uống thuốc và chăm sóc cẩn thận rồi “mập lên từ bao giờ”. Đỉnh điểm là giai đoạn nặng 94 kg. Dung tự nhận mình là tuýp người sống nội tâm nên không bận tâm nhiều những lời bàn tán của người ngoài. Chị gái Dung rủ cô đi tập gym. Gia đình cũng động viên đi tập để thêm khỏe mạnh.
“Theo học ngành bác sĩ, chạy từ khoa này sang khoa khác, đi trực đi học cũng mất nhiều thời gian và sức lực nên mình muốn giảm cân để đỡ mệt hơn”, Dung kể.
Trước đây, Dung biết đến gym rèn luyện sức khỏe có chạy, tập tạ, hít đất, khi bắt đầu tập mới biết nó khốc liệt và mệt ngoài sức tưởng tượng. Những ngày đầu, Dung rụt rè, hầu như không nói chuyện, kể cả với huấn luyện viên.
“Dung quan sát tốt, tiếp thu nhanh nên tập luyện khá thuận lợi”, Dương Ngọc Hải, huấn luyện viên riêng của Dung nói.
Anh Hải cho biết, thể lực của Dung kém, còn bị tích mỡ đùi, bụng dưới, bắp tay và lưng. Các chỉ số đo vai, ngực, bụng, mông đều trên 100 cm. Ngoài ra, Dung còn bị bệnh hạ canxi nên luôn có thanh canxi corbiere đi theo bên người.
Trong bốn tuần đầu, Dung phải tập để cải thiện thể lực, tăng độ bền cơ bắp kết hợp với một số bài tập thăng bằng. Đối với bài thể lực, cô chạy bộ tốc độ trung bình hai phút rồi đi bộ nhẹ ba phút, lặp lại năm lần. Sau đó, nâng dần tốc độ chạy nhưng không được quá nhanh.
Dung được huấn luyện viên hướng dẫn dùng dây kháng lực Trx để tập chân và phần thân dưới, kết hợp squat, deadlift, bench press với mức tạ nhẹ trong ba tuần đầu. Đến tuần thứ 4, Dung tăng dần mức tạ để đạt hiệu quả.
Ngoài ra, vì cơ địa còn yếu nên cô tập bài tập cho đùi và tay để cải thiện một số nhóm cơ nhất định như đùi, lưng dưới, bụng. Dung không tập bụng quá nhiều, chỉ dành 15 phút cho bụng từ hai đến ba lần trên tuần.
Sau một tháng tập luyện, Dung giảm 10 kg. “Vì ban đầu cân nặng quá khổ nên chưa có nhiều khác biệt. Tuy nhiên, mình không phải thở hổn hển khi đi bộ từ trạm xe buýt vào trường như trước”, Dung nói.
Bốn tuần tiếp theo, Dung tiếp tục làm quen với một số bài tập mông và phương pháp tập mông. Chế độ ăn nới lỏng hơn để tránh stress và gây hại cho hệ tiêu hóa.
Giảm 30 kg, Dung nhanh nhẹn, năng động có thể tập trong thời gian dài, nâng mức tạ gấp 3 so với ngày đầu. Ảnh: Ngọc Hải |
Thời gian đầu, Dung ăn ba bữa đầy đủ tinh bột, rau xanh và trái cây như bưởi, táo, cam, mận, dâu, đào, nho. Cô ưu tiên ăn yến mạch, gạo lứt, bánh mì đen, khoai lang để cơ thể không bị thiếu hụt tinh bột kết hợp với protein thịt, cá, gà, trứng đã bỏ mỡ, gân da.
Theo cô, buổi sáng thường khó ăn và lười chuẩn bị nên có thể ăn hai quả trứng gà và hai hoặc ba lát bánh mì đen. Trưa và chiều nên ăn giống nhau cho thuận tiện việc đi chợ mua thức ăn. Buổi chiều, Dung ăn thêm sữa chua không đường hoặc ít đường và hạn chế ăn các chế phẩm từ sữa. Khi đói có thể bổ sung thêm các loại hạt óc chó, hạnh nhân, macca… Tối trước khi ngủ hai tiếng cô ăn một hộp sữa chua không đường. Cả ngày uống trên 3 lít nước, nhất là lúc bụng đói.
Sau 4 tháng tập luyện, Dung giảm 30 kg. “Thành quả này là quyết tâm của Dung, tôi chỉ là người soi đường”, anh Hải nói. “Đây cũng là học trò kiên trì nhất mà tôi từng dạy”.
Hiện tại, Dung vẫn kiên trì đi xe buýt đến phòng tập từ 5 giờ sáng. Theo Dung, khó khăn nhất là thời gian hai tuần đầu để làm quen. Đến nay, cô có thể nâng tạ, squat, hít đất mà không bị mệt, khó thở nữa.
Size quần áo giảm xuống, Dung tự tin hơn khi ra đường. Giảm cân giúp cô nhanh nhẹn, tháo vát hơn khi đi học, đi viện và sống tích cực hơn mỗi ngày.
“Tập luyện giúp tôi học được cách kiểm soát cân nặng để tự bảo vệ sức khỏe của mình”, Dung nói.
Theo Thùy An