Khác với nhóm giàu mới nổi muốn thể hiện mình có nhiều tiền, giới thượng lưu truyền tải thông điệp ngầm về địa vị qua trang phục tối giản, không có logo hay màu sắc sặc sỡ.
Trải qua bốn mùa, series Succession của đài HBO mang đến cho người xem một cái nhìn thoáng qua, dù chỉ là hư cấu, về lối sống của những người giàu nhất nước Mỹ và cho thấy các tỷ phú khác biệt thế nào với cả người thường lẫn giới triệu phú.
Theo BBC, đằng sau bộ phim truyền hình này là các chuyên gia chuyên về giới siêu giàu để tư vấn về từng chi tiết nhỏ. Các nhà thiết kế trang phục cẩn thận xây dựng một tủ quần áo phản ảnh cách ăn mặc của những người thuộc top 0,1% giàu nhất thế giới.
Nhân vật Shiv Roy có đủ khả năng mua bất kỳ chiếc váy thời trang cao cấp nào mình mong muốn, nhưng những gì người con gái tỷ phú diện lại rất cơ bản: áo cổ lọ màu đen trơn, quần tây màu nâu hoặc sơ mi màu be.
Chúng được làm từ những chất liệu tốt nhất nhưng đều theo phong cách không nổi bật. Anh trai Kendall của Shiv yêu thích Loro Piana, thương hiệu của Italy, chuyên về những món đồ được làm từ loại vải tốt nhất, nơi mà một chiếc áo khoác có thể có giá 25.000 USD.
Nhân vật Lukas Matsson trong Succession thường xuyên đi dép tông, mặc áo phông đơn giản, trong khi các đối tác diện áo vest, giày tây. Ảnh: HBO.
Thay vì chi trả cho logo và nhãn mác, khách hàng thuộc phân khúc thượng lưu muốn đầu tư vào chất lượng quần áo. Họ lựa chọn các thiết kế có tính ứng dụng cao, chất liệu cao cấp và đảm bảo độ vừa vặn.
Nói cách khác, các tỷ phú tự thân hoặc thế hệ giàu có lâu đời, sinh ra đã ngậm thìa vàng cảm thấy việc phô trương tiền tài và địa vị qua trang phục là điều không cần thiết.
Nếu đủ giàu, không cần khoe
Phần lớn quần áo của các tỷ phú có kiểu dáng, họa tiết đơn giản, thậm chí tối giản, song sở hữu chất liệu cao cấp, đường cắt may chỉn chu. Điều này gần với cách hầu hết doanh nhân ở Thung lũng Silicon ăn mặc: áo sơ mi hoặc áo phông, quần jean và giày thể thao màu trắng.
Như Colleen Morris-Glennon, nhà thiết kế trang phục cho phim truyền hình Industry – một series hư cấu khác về giới siêu giàu – giải thích với tạp chí Vogue: “Ai đó càng giàu thì càng khó bị nhìn ra trong đám đông. Người cuối cùng mọi người nghĩ đến mới chính là tỷ phú”.
Trong phim Tár do Cate Blanchett đóng chính, tủ đồ của nhân vật này cũng toàn những món đồ theo xu hướng “giàu có thầm lặng”.
Nhà thiết kế trang phục Bina Daigeler nói với WWD: “Tôi muốn làm những bộ trang phục mà chả mấy ai nhìn vào. Thay vào đó, phong cách tinh tế của nhân vật chính biến cô ấy thành biểu tượng thời trang”.
Khi ra tòa hồi tháng 3, nữ diễn viên Gwyneth Paltrow nhiệt tình lăng xê phong cách “quý cô tỷ phú” với trang phục đơn sắc. Váy áo không logo khiến nhiều người phải đoán nhãn hiệu, giá tiền.
Quiet luxury ưu tiên nét sang trọng, tinh tế hơn là phô trương và lòe loẹt. Ảnh: Tár.
Theo tiến sĩ Carolyn Mair, nhà tư vấn kinh doanh thời trang, “quiet luxury” đang thu hút sự chú ý, nhưng khái niệm về sự giàu có tàng hình không phải là mới.
“Thuật ngữ ‘tiêu dùng phô trương’ từng được Thorsten Weblen ghi lại trong cuốn sách của ông ấy xuất bản vào năm 1899. Weblen mô tả đó là ‘hành động phô trương sự giàu có để đạt được địa vị và danh tiếng trong xã hội’, dễ nhìn thấy ở tầng lớp lắm tiền mới nổi, muốn khẳng định mình”, Mair cho hay.
Ngược lại, nhóm giàu có lâu đời hoặc thực sự giàu kếch xù lại suy nghĩ “nếu đã có quen với việc có rất nhiều tiền, bạn không cần phải phô trương nó”.
“Ý niệm đằng sau sự giàu có tàng hình là mua những món không được đánh giá cao về vẻ ngoài, độ hiếm của chúng, song chỉ có những người có hiểu biết hoặc ở cùng địa vị giàu có như nhau mới nhận ra giá trị của món hàng. Nó giống như một kiểu bí mật nội bộ”, Mair nói thêm.
Milton Pedraza, Giám đốc điều hành của nhóm nghiên cứu Luxury Institute, cho biết: “Những thương hiệu cao cấp dễ dàng được nhận biết bởi người tiêu dùng xa xỉ. Khi diện các thiết kế đó, người mặc ngầm khẳng định vị trí của bản thân trong giới thượng lưu”.
Hòa hợp với xã hội
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên trào lưu sang trọng nhưng kín đáo thống trị giới thời trang.
Chúng từng đứng đầu đường đua xu hướng vào năm 2008 khi cuộc Đại suy thoái diễn ra, thể hiện cách phản ứng với tình trạng hỗn loạn của nền kinh tế toàn cầu hiện nay.
Lorna Hall, Giám đốc mảng trí tuệ thời trang tại cơ quan dự báo xu hướng WGSN cho rằng nhận định có phần đúng. “Mặc dù thời trang đôi khi có thể thiếu nhạy cảm, nhưng nó vẫn hòa hợp sâu sắc với các động lực xã hội,” cô nói với BBC.
Các mẫu áo phông đơn giản nhưng có chất liệu tốt, độ bền cao thường xuyên được các đại gia công nghệ ở Thung lũng Silicon diện hàng ngày. Ảnh: Insider.
“Hiện nay, chúng ta sống trong thời kỳ đòi hỏi cách mặc đồ tối giản hơn vì nguồn thu nhập dần bị thu hẹp. Tất thảy báo hiệu một cuộc suy thoái kinh tế tiềm ẩn, sự chú trọng tính bền vững và tiêu dùng có ý thức cũng như mối quan ngại về tương lai công việc.
Khi một bộ phận lớn dân số đang vật lộn để sưởi ấm ngôi nhà của họ, việc phô trương những biểu hiện cực đoan của sự giàu chẳng thể hiện gì ngoài sự vô cảm”, Hall nói.
Trong khi đó trên Tik Tok, các thẻ bắt đầu bằng như #stealthluxe đang thu hút hàng triệu lượt xem, với việc các nhà tạo mẫu thời trang chia sẻ cách để có được vẻ ngoài “giàu có tàng hình” với chi phí thấp hơn.
Tuy nhiên, Hall không chắc liệu ý tưởng về quiet luxury có tạo ra sự thay đổi lâu dài trong thói quen chi tiêu hay không.
“Có vẻ như mọi người quan tâm chủ yếu vì chạy theo xu hướng, tôi không biết rằng liệu nó có thực sự tác động rộng lớn đến thị trường may mặc”, ông nói.
Đối với việc ăn mặc logo, Hall nghĩ rằng việc mọi người nhìn thấy chúng trở lại chỉ là vấn đề thời gian.
“Tôi nghĩ xu hướng ăn mặc như người giàu giống như một nhịp dao động của con lắc. Chúng ta có thể đang chứng kiến sự từ chối cách diện đồ phô trương, nhưng thời trang luôn là sự quay vòng”.
Hiền Thy