Ai trả tiền cũng được, miễn đồng vợ đồng chồng. Cái thiếu của chồng sẽ được bổ sung từ vợ, tạo thành mối giao hòa tốt đẹp. Cái đáng trách, nếu có, là thái độ.
Mãi đến nay, cuộc tranh cãi về việc ai nên/phải rút ví trả tiền vẫn chưa có hồi kết, nhất là khi thêm chuyện “phương Đông”, “phương Tây”. Đôi khi, chỉ vì hành động trả tiền kèm theo thái độ mà một mối quan hệ từ thân thiết bỗng thành xa lạ, nghi ngờ nhau.
Chuyện của những người vợ
Một người kể, chị có cô bạn gái, kinh tế khá giả, quen với một anh đã về hưu, tuy vẫn sống chung nhà với vợ nhưng gần như ly thân 20 năm. Mỗi lần đi ăn uống với họ, chị thường nghe anh hỏi cô bạn: “Anh trả tiền hay em trả?”. Qua đó, chị biết mức độ thân thiết của họ và việc tiền bạc như không là vấn đề, của anh cũng là của em. Tất nhiên, bạn chị vốn rộng rãi nên thường chủ động trả tiền. Nhưng rồi chị cảm giác có gì không ổn. Chưa bao giờ chị thấy anh ta mở ví. Thái độ của anh này gần như là chồng của cô bạn – việc trả tiền khi đi chơi chung là của vợ, như vẫn thường thấy, kiểu phụ nữ luôn nắm hầu bao. Cho là bạn chị tốt bụng, hào phóng, nhưng không hiểu sao, chị cảm giác bạn mình bị lợi dụng.
Chuyện khác. Một hôm, vợ chồng chị được cặp vợ chồng là doanh nhân thành đạt mời đi ăn uống. Xong xuôi, tờ hóa đơn được đưa ra cho người vợ. Người vợ liếc qua (chủ yếu là con số tổng), rồi đưa cho chồng. Anh chồng vừa nói chuyện với bạn vừa đưa tay lấy ví tiền. Có người thắc mắc (nói nhỏ với nhau), tại sao chị vợ lại để chồng trả tiền. Ý họ là, phu nhân của người chồng thành đạt phải thể hiện vai trò “mama tổng quản”. Chồng làm ra tiền, vợ giữ tiền.
Một ông chồng là doanh nhân có địa vị lớn, càng không nên để chồng phải trả tiền. Đi ăn, chiêu đãi khách hàng, đối tác… người chồng luôn có “đệ tử” đi theo để trả tiền. Vai trò của chồng cứ việc ăn, uống, cụng ly và nói chuyện với khách sao cho không khí bữa tiệc được vui vẻ, đạt mục đích. Thậm chí, chồng không cần phải nhìn đến tờ hóa đơn mới đúng điệu “ông chủ”. Dẫu sau đó tờ hóa đơn có được ông chủ tính toán và xét nét từng chút thì cũng là việc hậu trường, không ai biết.
Theo nhiều ý kiến, hình ảnh người chồng móc ví trả tiền thấy không hay. Đàn ông dứt khoát không giữ tiền, dù tất cả tài sản do họ làm ra, thế mới thoáng, mới ra dáng đàn ông. Vai trò của vợ là e ấp, duyên dáng bên chồng, nói cười đúng lúc, đúng chỗ cho không khí bữa tiệc thân thiện, ấm cúng và việc hành động vợ thanh toán hóa đơn sẽ tăng thêm uy tín cho chồng, đúng vai trò bà chủ.
Ảnh minh họa
Ở một góc nhìn khác. Khi người chồng móc ví trả tiền cho một bữa tiệc, ít nhiều, người ngoài nhìn vào sẽ thấy phu nhân… dở. Có phải người vợ thất thế chuyện tiền bạc, người chồng không tin tưởng? Có thể đó là một ông chồng quá kỹ tính hay cũng có thể phu nhân không quan tâm đến tiền bạc, mọi thứ phó mặc cho chồng. Nhưng cũng có người đặt vấn đề, tại sao đi ăn tiệc mà phụ nữ phải chăm chú tờ hóa đơn. Họ phải được hưởng thụ, thoải mái tư tưởng để thể hiện vai trò bà chủ tiếp khách, bởi đã có chồng lo chứ.
Đến chuyện của lớp trẻ
Có cậu con trai lớp 11, đi học về phàn nàn với mẹ rằng, các bạn gái lớp cậu chơi không đẹp bằng các bạn gái lớp bên cạnh. Người mẹ tò mò hỏi, cậu kể, bạn gái lớp cậu, mỗi khi đi ăn, toàn bắt bạn trai trả tiền. Nghe con nói, người mẹ chợt nhớ đến con trai của người bạn, đang học năm thứ nhất đại học, phát biểu rằng, con gái mà bắt trả tiền là nghỉ chơi luôn. Tất nhiên, người mẹ trong câu chuyện chưa đến mức phải lo con trai sau này không trở thành người đàn ông lịch lãm, biết bảo bọc phụ nữ, song chị vẫn thấy chút “gợn”, liệu con trai có ích kỷ không. Chị nhớ ngày xưa, chuyện nam giới chi trả tiền cho phụ nữ là rất bình thường.
Nhưng cuối cùng, chị kết luận, chị vẫn thích cách bọn trẻ ngày nay xử sự với nhau – cứ chung tay góp vốn và chia đều ra trả, đó mới là chơi đẹp, giúp quan hệ bền vững.
Phụ nữ không thích quà?
“Phụ nữ Việt Nam không cần tặng quà. Các bà chỉ thích các ông mang tiền về thôi”. Câu nói của nam MC trong chương trình Paris by Night khiến khán giả bật cười, vỗ tay tán thưởng. Nhưng thật ra, mỗi người mỗi tính cách. Nếu có những người phụ nữ thích nắm giữ tiền bạc thì cũng có những chị thờ ơ. Nếu có người đàn ông kỹ tính, muốn giành hết mọi vấn đề giao tế thì cũng có người phó thác cho vợ, để “mọi thứ bả lo”.
Ai trả tiền cũng được, miễn đồng vợ đồng chồng. Cái thiếu của chồng sẽ được bổ sung từ vợ, tạo thành mối giao hòa tốt đẹp. Cái đáng trách, nếu có, là thái độ. Nếu chồng trả tiền với vẻ tự đắc của người làm ra tiền và bà vợ chỉ là cái bóng hay vì những lỗi lầm nào đó của vợ trong vấn đề quản lý tài chính thì thật quá đáng, không chỉ làm buồn lòng vợ mà còn khiến khách thất vọng.
Theo Kim Duy