Việc diễn viên – ca sĩ Trương Thế Vinh yêu cầu nhãn hàng Maschio trả 25 triệu đồng tiền bản quyền hình ảnh cho 5 ngày sử dụng ảnh của anh trên fanpage của đơn vị này đang khiến nhiều người ngạc nhiên.
Rất nhiều người cho rằng, Trương Thế Vinh “làm quá”, “mượn chuyện để PR”. Thậm chí, trên Facebook của ông Thái Bá Dũng – nhà sáng lập nhãn hiệu Maschio còn cho rằng, Trương Thế Vinh “ảo tưởng sức mạnh”, khẳng định Maschio không vi phạm pháp luật.
Sự việc bắt đầu trưa 24/7, Trương Thế Vinh đăng tải status trên trang cá nhân, với ảnh chụp màn hình fanpage Maschio dùng hình ảnh anh đang mặc áo của nhãn hàng này và mời gọi mọi người đến cửa hàng Maschio mua áo. Theo Trương Thế Vinh, đây là hành vi không thể chấp nhận, vì sử dụng hình ảnh cá nhân của anh mà không xin phép.
Trương Thế Vinh đã nhắn tin vào fanpage Maschio và nhận được lời xin lỗi từ người quản trị fanpage này, kèm giải thích rằng hình ảnh Trương Thế Vinh là ảnh chụp khi anh tham gia chương trình truyền hình 8 lạng nửa cân, đã công khai trên mạng. Trang Maschio cũng đã nhanh chóng tháo ảnh Vinh khỏi trang. Tuy nhiên, Trương Thế Vinh không chấp nhận cách giải thích ấy, yêu cầu Maschio bồi thường 25 triệu đồng.
|
Trang fanpage sử dụng hình ảnh của Trương Thế Vinh để quảng bá sản phẩm |
Sự thật, các thương hiệu lớn trên thế giới vẫn thường có hợp đồng với nghệ sĩ nhằm quảng bá thương hiệu của họ. Trong các bài đăng dạng này trên trang cá nhân, nghệ sĩ thường có hashtag tên thương hiệu và các nhãn hàng cũng thường chỉ đăng lại các hình ảnh do nghệ sĩ chia sẻ. Tại Việt Nam, rất nhiều nghệ sĩ đã bị lấy hình ảnh phục vụ cho mục đích quảng cáo, khiến nghệ sĩ bức xúc. Hoa hậu Đặng Thu Thảo, diễn viên Ốc Thanh Vân đều từng là nạn nhân của những trang bán hàng online. Cá biệt, hình ảnh NSND Hoàng Dũng còn bị cắt ghép, “nhét chữ vào miệng” ông để quảng cáo… thuốc chống ngáy.
Những người bênh vực Maschio trong vụ tranh cãi với Trương Thế Vinh cũng dẫn Bộ luật Dân sự, cho rằng vì hình ảnh của Vinh thuộc phạm vi hoạt động công cộng, cụ thể là trong một chương trình biểu diễn nghệ thuật, nên không cần phải xin phép anh. Không ai nhớ rằng điều 32 của Bộ luật Dân sự 2015 đã minh xác: “Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý” và “Việc sử dụng hình ảnh của người khác (bất kể lấy từ nguồn nào – PV) vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.
Như khẳng định của Trương Thế Vinh, anh không có bất kỳ thỏa thuận nào cho phép Maschio đăng hình mình để quảng cáo bán áo. Nhưng để đòi được khoản tiền 25 triệu đồng, có lẽ Vinh sẽ phải khởi kiện ra tòa hoặc tố giác với cơ quan chức năng và anh nên làm thế để trắng đen rõ ràng, để pháp luật được thực thi, hơn là những tranh cãi.
Theo Thành Nhân