Nhưng không phải vật, thức ăn cho vào tủ lạnh nếu không đúng cách và bảo quản với thời gian không hợp lý vẫn có  thể gây các bệnh về đường tiêu hóa, thậm chí bị nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn khi lấy đô ăn chính từ tủ lạnh ra ăn.

Tủ lạnh không phải tủ diệt khuẩn nên phải thường xuyên kiểm tra nhiệt độ và chế độ lạnh

Trong tủ lạnh kể cả ở ngăn đông, vi khuẩn không chết mà chỉ phát triển chậm lại hoặc ngừng phát triển, độc tố của chúng cũng không bị phá hủy. Thực tế chúng chỉ tạm thời “ngủ yên”, đợi khi ra khỏi tủ lạnh, gặp điều kiện nhiệt độ bình thường trong nhà ở hoặc nhiệt độ của cơ thể con người, sẽ tỉnh táo trở lại phát triển và hoạt động bình thường ngay.

Như vậy, nếu thức ăn trước khi cho vào tủ lạnh đã có vấn đề (thức ăn nấu sẵn đã bị nhiễm khuẩn, thịt, cá, trứng.. không phải là loại thật tươi, sữa đã có vi khuẩn có hại v.v…) thì nhiệt độ của tủ lạnh đâu có  thể diệt được vi khuẩn và độc tố của chúng có sẵn trong thực phẩm, khi chúng ta ăn bị bệnh là chuyện tất nhiên.

Do vậy, cần sử dụng nhiệt kế tủ lạnh, đặt nó trong phần ấm nhất của tủ lạnh, và kiểm tra nhiệt độ không khí sau 24 giờ. Thực phẩm nên được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ ít nhất 37 ºF tức hơn 2 độ C hoặc thấp hơn để tránh vi khuẩn phát triển. Nếu nhiệt độ không khí cho thấy cao hơn 2,5 độ C hãy điều chỉnh điều khiển làm mát của tủ lạnh cho phù hợp.

Đôi khi nhiệt độ tủ lạnh vẫn chính xác nhưng cảm giác lại nóng hơn mức bình thường vì lượng thực phẩm chứa trong tủ quá nhiều hoặc vì lưu trữ thực phẩm nóng, hay chúng ta mở tủ quá lâu…

Mù hè-thu là mùa của những dịch bệnh đường tiêu hóa, và các vi khuẩn như tả, lỵ trực khuẩn, thương hàn, nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn, v.v… đều chịu lạnh giỏi. Ở nhiệt độ lạnh tới âm 18 độ C (-18 độ C) vi khuẩn thương hàn vẫn sống được 6 tháng, tụ cầu vàng sống được 5 tháng. Còn ở nhiệt độ lạnh âm 6 độ C (-6 độ C) thì sau 90 ngày các vi khuẩn tả, thương hàn, lỵ trực khuẩn, tụ cầu vàng, trực khuẩn coli.. vẫn sống bình yên, tuy có gặp khó khăn.

Cất trữ thực phẩm đúng cách

Hải sản, thịt sống, gia cầm

Hải sản, thịt sống, thịt gia cầm nên được bảo quản trong phần lạnh nhất của tủ lạnh càng sớm càng tốt, điều này sẽ giúp ngăn chặn vi khuẩn sinh sôi, đảm bảo an toàn cho người dùng. Bên cạnh đó, cần đặt chúng trên một cái đĩa hoặc vật chứa, tránh cho nước từ thực phẩm nhỏ vào thức ăn khác. Cố gắng giữ riêng từng loại sản phẩm để tránh nhiễm chéo.

Hải sản, thịt sống, thịt gia cầm có thể được bảo quản khỏi vi khuẩn và không bị ô nhiễm trong tối đa bốn ngày. Đối với thịt đã nấu chín, tổng cộng là 3 ngày.

Lưu ý với những loại thủy hải sản như cá, tôm, cua… cần được bảo quản lạnh ngay lập tức nếu bạn không chế biến ngay sau khi đem về. Và với các loại thịt khi sử dụng, bạn không nên rã đông ở nhiệt độ phòng mà nên có kế hoạch trước và để cho thịt, cá tan băng ở ngăn mát của tủ lạnh. Bạn có thể sử dụng các loại tủ có tính năng cấp đông mềm để bảo quản các loại thịt cá cần sử dụng trong thời gian ngắn. Khi để ở -1 độ C, thực phẩm sẽ có một lớp băng mỏng bên ngoài, không bị đông đá bên trong, nhờ đó người dùng có thể thái cắt dễ dàng mà không tốn nhiều công sức rã đông, giúp giảm thiểu đáng kể thời gian và quy trình chuẩn bị bữa ăn.

Hoa quả và rau

Bảo quản trái cây và rau quả một cách riêng biệt, nếu không rau sẽ hấp thụ khí ethylene thải ra từ một số loại trái cây và sẽ bị hư hỏng sớm. Tốt hơn là đặt rau và hoa quả trong các ngăn riêng biệt được cung cấp.

Bạn nên phân loại rau, để chúng trong túi đựng đã được chọc thủng vài lỗ để thoáng khí.Hãy để các loại rau củ nặng hơn như cà rốt, su hào, bắp cải… xuống dưới, sau đó để các loại rau ăn lá lên trên. Nếu thấy rau quá bẩn, bạn có thể rửa sạch, để khô nước (thấm bằng giấy ăn) trước khi cho vào tủ.

Đối với một số loại trái cây phát hành khí ethylene như chuối, bơ, đào, mơ… không cần phải được bảo quản trong tủ lạnh bởi chúng sẽ khiến thực phẩm gần đó chín hoặc nhanh hỏng hơn. Điều này cũng đúng với một số loại rau củ như khoai tây, hành tây, tỏi, cà chua, bí ngô… chúng sẽ để được lâu hơn nên lưu trữ ở nhiệt độ phòng.

Trứng, các sản phẩm từ sữa…

Trứng: Nhiều người có thói quen để trứng ở cánh cửa tủ lạnh. Trên thực tế, bạn nên để trứng ở các ngăn chính để có thể duy trì nhiệt độ ổn định, giúp trứng tươi lâu hơn. Ngoài ra, trứng nên được giữ trong các hộp đóng gói ban đầu để giảm nguy cơ bị vỡ. Về cơ bản, trứng là sản phẩm có thể kéo dài trong một thời gian dài (3 đến 5 tuần).

Sữa thanh trùng: Sữa thanh trùng có thời hạn ngắn và dễ hỏng hơn các loại sữa tươi đóng hộp khác. Do đó, loại thực phẩm này nên được bảo quản ở ngăn chính tủ lạnh thay vì ở cánh cửa, nơi nhiệt độ không ổn định. Đồng thời, bạn cũng cần cho ngay sữa vào tủ lạnh khi đem về từ siêu thị, cửa hàng, không để ở nhiệt độ phòng quá lâu.

Đối với các sản phẩm từ sữa như phô mai, sau khi sử dụng còn dư cần được bảo quản trong hộp kín, tránh lây nhiễm vi khuẩn từ thực phẩm khác.Còn với bơ thì để nguyên chúng trong hộp đựng ban đầu, và giữ trong cửa tủ lạnh. Tuy nhiên đừng bảo quản chúng lâu hơn 6 tháng.

Thức ăn thừa và các sản phẩm khô

Thức ăn thừa phải được giữ trong các hộp đựng chuyên dụng kín, làm như vậy để tránh mùi không lan ra các đồ ăn khác. Chúng ta không nên bảo quản quá hai ngày.

Không cần phải lưu trữ các sản phẩm khô trong tủ lạnh vì độ ẩm sẽ làm hỏng độ giòn của thực phẩm. Nếu có lưu trữ hãy để các sản phẩm khô vào bình chứa kín và khô ráo.

Để phòng tránh bệnh tật, trong gia đình hoặc những bếp ăn tập thể, dù có tủ lạnh vẫn phải chú ý giữ gìn vệ sinh thực phẩm thật tốt. Cụ thể:

– Nước dùng làm kem, làm đã phải là nước đã đun sôi.

– Thức ăn chín muốn để dành phải đưa ngay vào tủ lạnh chậm nhất 4 giò sau khi xào nấu xong. Khi cần lấy ra khỏi tủ lạnh phải ăn ngay không để quá 4 giờ ở nhiệt độ trong nhà.

– Những thức ăn sống như thịt, cá.. muốn để dành lâu phải cất vào tủ lạnh ngay sau khi giết thịt súc vật, không được để chậm quá 4 giờ. Khi lấy ra khỏi tủ lạnh phải chế biến ngay.

– Đối với những thực phẩm sống hoặc chín không biết chắc chắn chế biến từ bao giờ, rất có thể đã bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc tố của vi khuẩn, vần phải chế biến ngay hoặc đun nấu lại cẩn thận trước khi cho vào tủ lạnh.

Cần nhớ tủ lạnh là một phương tiện bảo quản thức ăn chứ không phải có tác dụng diệt khuẩn. Vì vậy, những thức ăn đưa vào tủ lạnh phải là thức ăn tươi, sạch, không bị nhiễm khuẩn hoặc độc tố của vi khuẩn mới đảm bảo an toàn được.

https://www.tienphong.vn/suc-khoe/bao-quan-thuc-an-trong-tu-lanh-the-nao-cho-tot-1496163.tpo