logo

Bị phạt triệu USD ở các nước, Grab được tuyên “vô tội” ở Việt Nam: Có kẽ hở?

Ngày đăng: 05/07/2019 11:36

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, phóng viên đặt câu hỏi phải chăng Luật Cạnh tranh Việt Nam còn nhiều kẽ hở, không bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh như các nước nên xử Grab “vô tội” trong thương vụ mua lại Uber… 

Bị phạt triệu USD ở các nước, Grab được tuyên “vô tội” ở Việt Nam: Có kẽ hở? - 1

Grab được xử “vô tội” trong thương vụ mua lại Uber tại Việt Nam. Ngay sau đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có đơn khiếu nại trước phán quyết này.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương ngày 4/7, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã lên tiếng trả lời xung quanh phán quyết thương vụ mua Uber của Grab.

Cụ thể, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, cơ quan này có chức năng điều tra, xem xét vụ việc cạnh tranh trong đó xem xét vấn đề Grab mua lại Uber.

Trong quá trình điều tra chính thức và bổ sung, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có báo cáo và kết luận điều tra liên quan, chuyển sang Hội đồng Cạnh tranh xử lý xem xét.

Hội đồng cạnh tranh đã mở phiên điều trần kín để nghe các bên, bao gồm: Cơ quan điều tra (Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng), các bên liên quan đại diện Grab và Uber, có liên quan đến thương vụ sáp nhập Grab, Uber.

Phán quyết của Hội đồng Cạnh tranh đã nêu rõ việc “không chấp nhận đề nghị của cơ quan điều tra về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục các biện pháp cạnh tranh, đối với các việc Grab, Uber”.

banner

Theo ông Tân, quyết định này đã đi ngược kết luận điều tra của Cục Cạnh tranh và bảo vệ tiêu dùng.

“Điều này thể hiện rõ tính độc lập cao giữa 2 cơ quan Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng với vai trò thẩm định, điều tra, là nơi xem xét điều tra, tìm chứng cứ, còn thẩm quyền của Hội đồng Cạnh tranh chính là người xem xét quyết định”, ông Tân nói.

Ngay sau đó ông Tân cho biết, Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã có đơn khiếu nghị lại để Hội đồng Cạnh tranh xem xét lại.

Liên quan đến phán quyết đặt ra, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, phán quyết đặt ra hơi khác. Rõ ràng, hướng là không vi phạm, trong khi đó, các quốc gia khác như Singapore, Philippines có phán quyết về việc xử phạt và coi đó là vi phạm bên cạnh hành vi khác.

Thứ 2 theo ông Tân, vấn đề này đặt ra dựa trên phán quyết, chưa thể kết luận và nhận định về hành vi và tình tiết điều tra, xem xét.

Trả lời câu hỏi phải chăng Luật Cạnh tranh Việt Nam còn nhiều kẽ hở, không bảo vệ kinh doanh môi trường lành mạnh như các nước, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nói: Việc thỏa thuận mua bán sáp nhập đó là quyền của doanh nghiệp.

“Nó chỉ không lành mạnh khi có tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường”, ông Tân khẳng định: Luật Cạnh tranh luôn tôn trọng quyền tự do của doanh nghiệp trong việc mua, bán sáp nhập nhưng đến mức độ nhất định thì mới bị xem xét và xử lý.

Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, ngày 26/3, Grab đã công bố thông tin về việc mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Ngay sau thương vụ, Cục quản lý cạnh tranh đã ra quyết định điều tra sơ bộ về thương về để điều tra hành vi tập trung kinh tế.

Quá trình điều tra sơ bộ của Cục Cạnh tranh đã xác định việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%.

Theo đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004.

Hôm 17/6 mới đây, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh đã ra Quyết định về việc xử lý vụ việc cạnh tranh nêu trên. Quyết định nêu rõ, không chấp nhận đề nghị của cơ quan điều tra về việc áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh đối với GrabTaxi và Uber Việt Nam.

Hội động này lý giải, do “việc mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ giữa hai Công ty này không cấu thành hành vi tập trung kinh tế theo hình thức mua lại doanh nghiệp, quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Cạnh tranh và Điều 34 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh.

Theo Nguyễn Mạnh

Theo Dân Trí

Tags: ,