logo

Chàng trai mắc bệnh lậu sau khi quan hệ bằng miệng ở quán karaoke

Ngày đăng: 08/10/2019 15:29

Trong một lần đi hát karaoke với bạn bè, chàng trai 30 tuổi thử quan hệ bằng đường miệng ngay tại quán. Sau vài ngay, anh thấy “cậu nhỏ” bứt rứt, khó chịu, chảy mủ.

Bệnh nhân đến khám tại khoa Điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) với biểu hiện dương vật chảy mủ. Bác sĩ chẩn đoán anh mắc bệnh lậu.

Chàng trai mắc bệnh lậu sau khi quan hệ bằng miệng ở quán karaoke - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Bệnh lậu, giang mai… lây truyền qua các vết xước nên quan hệ bằng đường âm đạo hay đường miệng thì nguy cơ mắc bệnh như nhau. Ảnh minh họa: M.C.

Chàng trai cho biết mình chỉ quan hệ tình dục với vợ, chưa từng lăng nhăng bên ngoài ngoài một lần duy nhất thử dịch vụ oral sex tại quán karaoke. Lý do vì anh cho rằng quan hệ bằng đường miệng là an toàn. Thậm chí lúc đầu anh còn cho rằng lý do mình mắc bệnh là do vợ không chung thuỷ.

Theo bác sĩ Đào Hữu Ghi, Trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới, BV Da liễu Trung ương, những trường hợp nam giới bị bệnh lậu do quan hệ bằng miệng như trên không phải hiếm gặp. Hầu hết đều lầm tưởng quan hệ bằng đường miệng là an toàn, không thể mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Ngược lại, quan hệ bằng đường miệng cũng có thể làm lan truyền các bệnh như lậu, giang mai thậm chí là HIV. Đặc biệt là với dịch vụ oral sex tại các quán hát, nguy cơ này càng cao. Một nữ tiếp viên thường phục vụ nhiều khách, vi khuẩn, dịch tiết có thể dính trong miệng và có thể lây cho người khác.

Lậu là bệnh do vi khuẩn gram âm neisseria gonorrhoeae gây ra. Bệnh bùng phát sau 3-6 ngày khi mầm bệnh vào cơ thể. Biểu hiện bệnh ở cánh mày râu thường là cậu nhỏ bị chảy mủ, khó chịu. Trong khi ở nữ giới thường chỉ là tiểu buốt, tiểu rắt, ra máu sau khi quan hệ. Điều trị bệnh lậu rất đơn giản, tiêm kháng sinh song nếu không được phát hiện, điều trị sớm, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính, việc chữa trị khó hơn, mất thời gian.

“Các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có lậu, chủ yếu lây truyền qua những chỗ bị xây xước. Vì thế, dù quan hệ bằng đường âm đạo, đường miệng thì đều có nguy cơ mắc bệnh như nhau”, bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội) cho biết.

Bản thân bà từng gặp bệnh nhân nữ đi khám vì họng sưng đỏ, mưng mủ tưởng viêm họng song không ngờ lại mắc bệnh lậu. Thậm chí không ít trường hợp mắc lậu nhưng bị chẩn đoán nhầm thành viêm họng. Lý do vì rất ít người, thậm chí là bác sĩ nghĩ đến bệnh lậu khi thấy họng sưng đỏ, mưng mủ, trừ khi làm xét nghiệm.

Thuốc điều trị bệnh lậu ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là ceftriaxone. Bệnh nhân bị lậu cấp tính chỉ cần tiêm một liều ceftriaxone 250mg. Đây là kháng sinh thế hệ thứ 3 của cephalosporin – đang được một số nước trên thế giới cảnh báo về tình trạng kháng thuốc do một chủng lậu mới.

Kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Da liễu Trung ương (2005-2010) cho thấy, vi khuẩn lậu đã kháng với nhiều loại kháng sinh. Chẳng hạn, tỷ lệ kháng với ciprofloxacin là 100%, penicillin là gần 76%, tetracyline là hơn 46%…

Vì thế, bác sĩ khuyến cáo người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc tránh tình trạng kháng thuốc. Nam giới khi thấy dương vật bị sưng, có mủ, đái buốt hoặc chị em thấy ra khí hư bất thường hoặc đau họng (trước đó từng quan hệ bằng đường miệng) thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa.

Theo  Hà An

Theo Dân Trí

Tags: ,