Không hài lòng với việc phân chia tài sản làm ăn, người bạn của Thu Quỳnh (Nghệ An) doạ sẽ lập fanpage trên Facebook, chạy quảng cáo nói xấu Quỳnh.
Quỳnh “hết đường về nhà”. Sợ mang tiếng xấu, Quỳnh đành phải nhượng bộ.
Việc chạy bài trên Facebook để bêu xấu người khác không còn là hiếm. Hệ thống quảng cáo của mạng xã hội này giờ đây không chỉ là nơi các doanh nghiệp quảng bá, thu hút khách hàng tiềm năng nữa, mà còn bị lợi dụng làm công cụ đe dọa và bôi xấu người khác.
Nhiều fanpage xuất hiện dưới dạng cảnh báo lừa đảo, nhưng thực chất là đi bôi xấu người khác. |
Theo anh Thành Trung, một chuyên gia về quảng cáo trên Facebook, mạng xã hội này có quy định cấm các hành vi bêu xấu người khác. Tuy nhiên, cơ chế kiểm duyệt những quảng cáo dạng này chưa chặt chẽ, dễ bị “qua mặt” nếu người khởi tạo khéo léo xây dựng nội dung.
“Một khi đã vượt được cơ chế kiểm duyệt của Facebook, việc bôi nhọ người khác sẽ cực kỳ kinh khủng bởi chi phí bỏ ra có thể rất thấp, nhưng lại lan truyền vô cùng mạnh”, anh Trung chia sẻ.
Trong trường hợp của Thu Quỳnh, anh Trung cho biết chỉ cần nắm được địa chỉ nhà ở quê của cô, người bạn kia có thể tạo một fanpage với nội dung bôi nhọ và nhắm quảng cáo tiếp cận đến bán kính 3km quanh nhà.
Với chỉ số CPM (giá tiền trên 1.000 lượt hiển thị) khoảng 30.000 – 40.000 đồng, nên người bạn kia chỉ cần bỏ ra khoảng vài trăm nghìn đồng là có thể tiếp cận hết cả làng của Quỳnh. Chưa kể, những thông tin dạng “bóc phốt” thường có tính lan truyền cao, mọi người thường tự chia sẻ và bàn luận. Đến lúc đó, hậu quả sẽ không thể kiểm soát được nữa.
Mạng xã hội của Mark Zuckerberg bị đánh giá là yếu kém trong việc kiểm duyệt nội dung bôi xấu người khác hoặc phân biệt chủng tộc. Cuối năm 2018, Facebook bị phát hiện đã thuê một đơn vị truyền thông để làm chiến dịch bôi nhọ các chính trị gia “anti-Facebook”. Trước đó, mạng xã hội này cũng nhiều lần bị tố cáo là dung túng cho các nội dung bêu xấu cá nhân và tổ chức.
Theo anh Thành Trung, nếu gặp các nội dung như vậy, người dùng có thể dùng tính năng “Report” để được xử lý, đồng thời báo cho các cơ quan chức năng để được hỗ trợ.
Theo khoản 3 Điều 64 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng.
Theo Lưu Quý