Cả 3 ca bệnh đều lây bệnh dại do mèo cào, cắn trước đó nhiều tháng nhưng không có triệu chứng, đến khi người bệnh ớn lạnh, sợ gió, sợ ánh sáng, lơ mơ… mới đưa đi bệnh viện thì đã muộn.
Phát bệnh dại sau nhiều tháng bị mèo cào, cắn
Giữa tháng 10/2019, ông P.V.T. (65 tuổi, ở Long An) được bệnh viện (BV) địa phương chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng lơ mơ, huyết áp thấp, lạnh run, nước bọt chảy nhiều, liên tục trừng mắt. Bác sĩ chẩn đoán, ông T. mắc bệnh dại, tình trạng nguy kịch. rạng sáng hôm sau, ông T. tử vong.
Một bé gái bị mèo tấn công vào mặt khiến em mất một bên mũi |
Người nhà bệnh nhân cho hay, trước khi phát bệnh bốn tháng, ông T. vô tình đạp phải đuôi mèo khi đang đi ngoài đường. Bất ngờ, con mèo đã cào, cắn vào chân trái của ông khiến phần cổ chân bị sưng tấy, đau nhưng ông tự mua thuốc uống.
2 ngày sau, ông T. phát hiện con mèo cắn ông chết ở gần nhà, người thân khuyên ông đi tiêm ngừa dại nhưng ông không nghe.
Ngày 24/9, ông T. bỗng nhiên không muốn ăn uống, mệt mỏi, rùng mình… nên nhờ người nhà đưa đến BV. Bác sĩ nghi ông mắc bệnh dại, chỉ định nhập viện. Bệnh diễn tiến quá nhanh, vài ngày sau ông trở nên hung tợn rồi lơ mơ, khó thở, sợ ánh sáng, tiên lượng xấu, BV tỉnh chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cấp cứu thì đã muộn.
Tiếp sau đó, ông D.V.U. (43 tuổi, ở Cà Mau) cũng được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng rất nặng, phát bệnh dại, hung dữ, vật vã, sau đó bất ngờ suy hô hấp, tử vong.
Theo khai thác bệnh sử, vài tháng trước khi phát bệnh, ông U. bị con mèo nuôi trong nhà cắn vào ngón trỏ bàn chân phải chảy máu. Sau đó, con mèo đã bị con chó của gia đình cắn chết. Nghĩ mèo nhà nên ông U. không đi tiêm ngừa.
Mới đây, bé N.T.T.T. (5 tuổi, ở Đồng Tháp) cũng được chuyển đến BV trong tình trạng sốt cao, co giật, nước dãi chảy liên tục. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện bé T. có vết thương ở vùng mi mắt và má có vết thương nghi do mèo cào, cắn.
Mẹ bé T. cho biết, hơn 1 tháng trước, trong lúc đùa giỡn với con mèo nhà hàng xóm, đột nhiên con mèo giận dữ tấn công khiến bé bị thương vùng mặt. Sau đó, người nhà đã đưa bé đến trạm y tế khâu vết thương.
Bé T. được tiêm ngừa một mũi, nhưng không tiếp tục tiêm theo chỉ định do người nhà thấy vết thương liền da. Bé T. được chẩn đoán bệnh dại. Bác sĩ của BV lập tức lên phác đồ điều trị cho bé nhưng quá muộn, bé T. hôn mê sau hai ngày nhập viện, nhận thấy tình trạng bé quá nặng, gia đình đã xin đưa bé về.
Khi lên cơn dại, hầu hết bệnh nhân đều tử vong
Bác sĩ Võ Xuân Huy, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết bệnh dại rất nguy hiểm vì khi phát bệnh hầu như bệnh nhân tử vong, nhưng bệnh dại có thể phòng ngừa khá hiệu quả bằng vắc-xin và huyết thanh kháng dại. Nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh dại là do chủ quan không đến BV điều trị ngay sau khi bị chó, mèo cào, cắn, nhất là với vật nuôi trong nhà.
Người bị súc vật cắn chỉ đến BV khi chúng có biểu hiện lên cơn dại như hung dữ, chạy lung tung, sủa như rú, chảy nhiều nước dãi… điều này rất nguy hiểm, vì một số trường hợp con vật đã mang vi-rút dại mà không có biểu hiện điển hình, khi cắn người, vi-rút dại sẽ theo nước bọt của chúng truyền sang nạn nhân.
Do vậy, nhiều người hay nghĩ chỉ có nguy cơ lây bệnh dại nếu bị chó, mèo mang vi-rút dại cắn, nhưng có một số trường hợp, chỉ cần bị chúng cào, liếm vào vết thương cũng có thể lây bệnh dại.
Theo bác sĩ Huy, trung bình mỗi ngày Khoa Khám bệnh BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiêm ngừa dại khoảng 80-100 ca, cao điểm có đến 150-200 ca/ngày. Phác đồ tiêm 5 mũi vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28, tuy nhiên, vẫn có trường hợp chỉ tiêm mũi đầu rồi ngưng, điều này rất nguy hiểm.
Khi đã bị chó, mèo cào, cắn, dù vết thương thế nào người dân cũng nên đến BV để được bác sĩ khám, tư vấn và chỉ định tiêm ngừa dại, phải tiêm đủ số mũi, đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm đối với từng loại vắc-xin dại và phác đồ tiêm. Lưu ý quan trọng, nếu tiêm không đủ liều thì nguy cơ lây nhiễm bệnh dại vẫn rất cao.
Bà H.T.K.T. bị mèo cắn gây sưng tấy |
Bác sĩ Huy khuyến cáo, khi một người bị chó, mèo cào, cắn, hay liếm vào vết thương cần phải rửa vết thương ngay với xà phòng, dưới vòi nước sạch chảy liên tục ít nhất 5 phút, sát trùng vết thương bằng cồn 70% hoặc Povidone.
Không nên khâu kín da hoặc băng ép quá kín, hay đắp lá thuốc theo phương pháp dân gian truyền miệng, nên dùng băng gạc sạch băng bó vết thương rồi đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.
Sau tiêm ngừa, theo dõi con vật trong 10 ngày liên tục, nếu chúng lên cơn dại, chết hoặc bị mất tích cần báo ngay cho bác sĩ để có sự hỗ trợ kịp thời về tiêm kết hợp vắc-xin và huyết thanh.
Người bị súc vật cắn cần được theo dõi sát, nếu có biểu hiện bồn chồn, lo lắng, dễ bị kích thích, sợ nước, sợ gió… phải đến BV ngay vì đây có khả năng là triệu chứng ban đầu của bệnh dại.
Theo Phạm An