logo

Chuyện hối lộ lạ lùng từ vụ án VN Pharma

Ngày đăng: 05/07/2019 11:22

Khi vụ buôn bán thuốc giả tại VN Pharma bị phát hiện, đã có một vụ đưa hối lộ xảy ra mà đích nhắm đến là cán bộ VKSND Tối cao với những tình tiết và cái kết khá lạ lùng…

TAND Cấp cao tại Hà Nội mới đây mở phiên phúc thẩm xét xử ba bị cáo trong vụ đưa hối lộ liên quan đến vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty CP VN Pharma. Theo đó, tòa xử Ngô Anh Quốc (cựu phó tổng giám đốc VN Pharma) về tội đưa hối lộ, Dương Kim Sơn (giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Sơn) và Lê Phú Toàn (phó chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Thạch Bàn) cùng về tội môi giới hối lộ.

Đáng chú ý, đây là vụ án kéo dài nhiều năm, có sự mâu thuẫn quan điểm về tội danh giữa Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an với VKSND Tối cao và hai cấp tòa.

Đưa tiền xong, sau đó tố cáo

Theo hồ sơ, vào các năm 2014-2015, Cơ quan ANĐT Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Minh Hùng (cựu tổng giám đốc VN Pharma) và một số đối tượng khác có liên quan về tội buôn lậu. Dương Kim Sơn khi đó là luật sư bào chữa cho Hùng.

Do có liên quan đến vụ án, Ngô Anh Quốc đã gặp và nhờ Sơn lo giúp cho bản thân cùng một số cán bộ của công ty không bị khởi tố, bắt giam. Biết Lê Phú Toàn có mối quan hệ quen biết với một số cán bộ của VKSND Tối cao, Sơn đã tìm Toàn để nhờ giúp việc của Quốc.

Toàn nhận lời, đến gặp một nữ cán bộ Vụ 1, VKSND Tối cao. Tuy nhiên, vị này nói không giúp được vì vượt quá khả năng nên giới thiệu tới một kiểm sát viên trung cấp khác. Vị kiểm sát viên trung cấp này cũng nói không giúp được vì vượt quá thẩm quyền, nhưng vì nể nang nên có trao đổi với Toàn một số thông tin liên quan đến vụ án.

Khi có được những thông tin trên, Toàn nói với Sơn rằng cán bộ VKSND Tối cao đã nhận lời với điều kiện phải chi 500.000 USD. Sơn thông báo lại cho Quốc, Quốc đồng ý và thông qua cấp dưới, ba lần chuyển hơn 10,8 tỉ đồng cho Sơn. Tiếp đó, Sơn chuyển cho Toàn 7,2 tỉ đồng.

Tháng 7-2015, nhận thấy hành vi của mình là trái pháp luật, Quốc chủ động làm đơn trình báo, tố giác hành vi phạm tội của Sơn đến Cơ quan ANĐT Bộ Công an.

Chuyện hối lộ lạ lùng từ vụ án VN Pharma - ảnh 1
Bị cáo Ngô Anh Quốc (bìa trái), cựu phó tổng giám đốc VN Pharma, tại phiên tòa phúc thẩm vụ buôn lậu thuốc hồi tháng 10-2017 (nay VKSND Tối cao vừa truy tố lại Quốc và 11 đồng phạm về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh). Ảnh: HOÀNG GIANG

Người đưa tiền không thoát tội

Ban đầu, CQĐT khởi tố vụ án, bắt tạm giam Sơn và Toàn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng sau đó CQĐT chuyển sang tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ.

Tháng 11-2016, CQĐT có kết luận điều tra đề nghị truy tố Sơn và Toàn về tội môi giới hối lộ, đồng thời đề nghị miễn trách nhiệm hình sự đối với Quốc về tội đưa hối lộ. VKSND Tối cao sau đó ra cáo trạng, đồng quan điểm với Cơ quan ANĐT Bộ Công an.

Tuy nhiên, trong giai đoạn sơ thẩm, TAND TP Hà Nội và chính VKSND Tối cao lại hai lần trả hồ sơ, yêu cầu điều tra làm rõ trách nhiệm hình sự của Quốc về hành vi đưa hối lộ. Tháng 7-2017, Cơ quan ANĐT Bộ Công an có kết luận điều tra bổ sung, giữ nguyên quan điểm miễn trách nhiệm hình sự đối với Quốc vì cho rằng người này đã chủ động tự thú.

Tháng 10-2017, Vụ 1 VKSND Tối cao có công văn yêu cầu CQĐT cùng cấp khởi tố, điều tra đối với Quốc về tội đưa hối lộ. Thực hiện yêu cầu này, cơ quan ANĐT đã khởi tố bổ sung vụ án, khởi tố bị can đối với Quốc về tội danh trên.

Dù vậy, CQĐT vẫn cho rằng trước khi tội phạm bị phát hiện, Quốc đã chủ động tố giác và khai báo rõ ràng về hành vi phạm tội của bản thân và người khác. Sự tố giác của Quốc đã giúp CQĐT kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Quá trình điều tra, bị can thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với CQĐT để lập công chuộc tội… Do vậy, CQĐT cho rằng cần vận dụng thỏa đáng chính sách hình sự của Nhà nước đối với người đưa hối lộ đã chủ động tố giác.

Tháng 10-2018, VKSND Tối cao ra cáo trạng truy tố Quốc về tội đưa hối lộ, Sơn và Toàn về tội môi giới hối lộ. Xử sơ thẩm sau đó, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Quốc năm năm tù, Sơn ba năm tù, Toàn hai năm tù về các tội danh này.

“Lời cảnh báo với người đưa hối lộ tự thú”

Cho rằng bản án sơ thẩm không thỏa đáng, Cơ quan ANĐT Bộ Công an có văn bản gửi chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao.

banner

Theo cơ quan này, HĐXX sơ thẩm đã không đánh giá đúng mức độ hành vi phạm tội nghiêm trọng của Sơn và Toàn, tuyên án dưới mức đề nghị của VKS, ngược lại Quốc là người bị mức án nặng nhất. Việc này gây bức xúc trong dư luận, sẽ như một lời cảnh báo những người đưa hối lộ không nên tự thú.

Vì vậy, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đề nghị chánh án TAND Tối cao có ý kiến với TAND Cấp cao tại Hà Nội khi xét xử phúc thẩm cần vận dụng thỏa đáng chính sách hình sự để có mức án phù hợp hoặc miễn trách nhiệm hình sự đối với Quốc.

Về phía các bị cáo, sau phiên tòa sơ thẩm họ đều có đơn kháng cáo.

Ngày 17-6 vừa qua, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm. Tại tòa, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX giữ nguyên các quyết định đối với bị cáo Ngô Anh Quốc và chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo Dương Kim Sơn và Lê Phú Toàn.

Kết quả, HĐXX phúc thẩm đã tuyên y án năm năm tù về tội đưa hối lộ đối với Quốc. Đồng thời, tòa giảm án cho Sơn từ ba năm xuống còn 17 tháng 17 ngày tù, Toàn từ hai năm xuống còn 14 tháng 30 ngày tù (đúng bằng thời gian tạm giam).

Tòa cho rằng Quốc là người chủ động trong việc đưa hối lộ để “chạy án”, sau khi bị phát giác và bị khởi tố trong vụ án thuốc giả tại Công ty VN Pharma thì chuyển sang tố cáo Sơn, tức là không chủ động khai báo trước khi bị phát giác. Số tiền mà bị cáo đưa hối lộ là rất lớn (trên 10 tỉ đồng).

Trong khi đó, tòa nhận định Sơn có công phối hợp với công an trong một vụ án ma túy khác, cả Sơn và Toàn đều không hưởng lợi gì, xuất phát từ sự nể nang với Quốc mà thực hiện hành vi phạm tội… nên cần giảm một phần hình phạt.

* * *

Trong vụ án này, các cơ quan tố tụng đã áp dụng tội danh đúng chưa? Hành vi của hai bị cáo Sơn và Toàn phạm tội môi giới hối lộ hay tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?… Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi trên Pháp Luật TP.HCM số báo ngày mai, 6-7.

Một kiểm sát viên VKSND Tối cao bị kỷ luật

Theo án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, quá trình điều tra, Lê Phú Toàn khai sau khi đã nhận được hơn 7,2 tỉ đồng từ Dương Kim Sơn, Toàn đưa cho anh NTT (kiểm sát viên trung cấp thuộc Vụ 1, VKSND Tối cao) 5 tỉ đồng. Ngoài ra, Toàn còn khai đặt vấn đề nhờ chị BTT (cán bộ Vụ 1, VKSND Tối cao) liên hệ với lãnh đạo VKSND Tối cao để giúp đỡ và đã hai lần chuyển tiền cho chị T. tổng số tiền 1,1 tỉ đồng và 50.000 USD.

Tuy nhiên, án sơ thẩm cho rằng ngoài lời khai của Lê Phú Toàn, kết quả điều tra không có căn cứ xác định anh NTT và chị BTT đã nhận số tiền trên.

Từ đó, HĐXX sơ thẩm nhận định kết quả điều tra không có căn cứ xác định có sự thỏa thuận giữa anh NTT với bị can Toàn về việc giúp các đối tượng thuộc Công ty VN Pharma không bị khởi tố, bắt tạm giam; không chứng minh được anh NTT đã nhận tiền từ Toàn… Thực tế, các báo cáo đề xuất của anh T. trong hồ sơ kiểm sát điều tra vụ án “buôn lậu thuốc” vẫn đảm bảo có căn cứ, đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, việc anh NTT tiết lộ thông tin liên quan đến vụ án cho Toàn đã vi phạm quy chế công tác của ngành kiểm sát. Do đó, anh T. đã bị xử lý kỷ luật công chức với hình thức cảnh cáo, cách chức trưởng phòng và điều chuyển đơn vị công tác.

Có người đưa, không có người nhận hối lộ

Cũng theo bản án phúc thẩm, vụ án này xảy ra đã lâu, giai đoạn điều tra và truy tố thể hiện có sự lúng túng của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong việc xác định tội danh cũng như đường lối giải quyết vụ án. Việc điều tra vụ án không triệt để, trong đó đáng lưu ý, mặc dù đã có sự cố gắng trong công tác điều tra, các cơ quan tố tụng đã quy kết các bị cáo về tội đưa hối hộ và môi giới hối lộ nhưng lại không thể xác định hoặc không thể chứng minh được người nhận hối lộ.

Tuy rằng các bị cáo đã phạm tội như nhận định, song quá trình tranh tụng tại các phiên tòa, các bị cáo và luật sư bào chữa đều cho rằng các bị cáo phạm tội chưa hoàn thành, đã tích cực phối hợp với CQĐT để giúp nhanh chóng kết thúc vụ án. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng việc quy kết các bị cáo phạm tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ trong trường hợp không quy kết người đã nhận tiền hối lộ là không công bằng.

Theo TUYẾN PHAN

Theo Pháp Luật Tp.HCM

Tags: ,