logo

Đáng sợ bị chó cắn, có khi tận 5 năm sau mới phát bệnh dại

Ngày đăng: 13/07/2019 17:21

Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ và khả năng miễn dịch của bệnh nhân.

Hồi tháng 3, con chó nhà nuôi bỗng dưng cắn anh Hưng và một người hàng xóm ở thôn 5, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, Kon Tum. Hai người em của anh Hưng cùng bạn tổ chức bắt con chó để làm thịt, cũng bị nó tấn công. Tổng cộng 5 người bị chó cắn, đều không tiêm phòng dại do nghĩ là chó nhà.

Ngày 23/6, 3 tháng sau khi bị chó cắn, anh Hưng lên cơn sốt, đau đầu, mệt mỏi, bồn chồn, sợ gió, sợ nước, co giật toàn thân… Gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, bác sĩ chẩn đoán anh bị lên cơn dại. Hai ngày sau bệnh nhân tử vong tại nhà.

Bị chó cắn, bao lâu sau phát bệnh dại? - Ảnh 2.

Y văn từng ghi nhận bệnh nhân bị chó cắn từ Việt Nam di cư sang Úc, 5 năm sau mới phát bệnh. Bệnh nhân là trẻ nhỏ. Ảnh minh hoạ

Sau khi anh Hưng mất, 4 người còn lại mới đi tiêm huyết thanh, vaccine phòng chống bệnh dại. Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà, cho biết cả bốn người đang được theo dõi tình trạng sức khỏe.

Bị chó cắn, bao lâu sau phát bệnh?

Bệnh dại do virus dại Rhabdovirus gây nên, thường lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn. Loại virus này dễ bị phá huỷ trong các chất dung môi của lipid và có thể bất hoạt ở nhiệt độ 56 độ C trong vòng 30 phút và 2 phút ở nhiệt độ 70 độ C. Virus dại cũng bị mất độc lực dưới ánh sáng và các chất sát khuẩn ở nồng độ 2-5%.

Sau khi vào cơ thể, virus dại sẽ xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy theo các dây thần kinh tới tủy sống và não bộ với tốc độ rất chậm, khoảng 12-24 mm mỗi ngày. Chỉ khi vào tới não bộ, người bị nhiễm bệnh mới có những hành vi và biểu hiện lâm sàng rõ ràng.

Do di chuyển chậm, thời gian ủ bệnh dại có thể từ 10 ngày đến 8 tuần hoặc có thể dài hơn. Thời gian trung bình từ khi bị chó cắn đến khi phát bệnh dại là 3-6 tháng, rất ít trường hợp phát bệnh sớm hơn hoặc cá biệt có những ca sau vài năm mới phát bệnh.

BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, y văn từ lâu đã từng ghi nhận bệnh nhân bị chó cắn từ Việt Nam di cư sang Úc, 5 năm sau mới phát bệnh. Bệnh nhân là trẻ nhỏ, cách đây rất lâu.

“Bản thân tôi từng ghi nhận ca phát bệnh lâu nhất từ khi bị chó cắn là 1 năm rưỡi” – BS Cấp nói. Bệnh nhân sống trong gia đình nuôi nhiều chó. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng không chắc có phải chắc chắn vì lần chó cắn vào chân từ 1,5 năm trước nên mắc bệnh dại hay không. Bởi trong cuộc sống hàng ngày tiếp xúc liên tục với chó, họ không nhớ có sự cố nhỏ gì khác.

Các chuyên gia cho biết thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ và khả năng miễn dịch của bệnh nhân. Vết thương nặng và càng gần thần kinh trung ương như ở đầu, cổ, ngón tay… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Tỉnh táo tới lúc chết

Sau khi bị chó cắn bệnh không có biểu hiện ngay nên nhiều người chủ quan. Các nạn nhân vẫn sinh hoạt bình thường cho tới khi phát bệnh và chết.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, bệnh dại có 2 thể bệnh chính. Ở thể viêm não, người bệnh khởi đầu có cảm giác dị cảm nơi cắn, mất ngủ, bồn chồn, sau đó xuất hiện kích thích, sợ nước, sợ gió. Bệnh tiến triển tăng dần đến mức không thể uống nước, có những cơn co thắt hầu họng khi uống nước, khi thấy gió hoặc thậm chí nghe thấy tiếng nước chảy, gió thổi. Sau đó, người bệnh xuất hiện dấu hiệu co thắt hầu họng tự nhiên, cường dương, xuất tinh tự nhiên và thường tử vong trong vòng một tuần kể từ khi phát bệnh.

Ở thể liệt, người bệnh sẽ liệt lan dần từ chân đến liệt cơ tròn làm rối loạn tiểu tiện, đại tiện liệt, lan lên liệt tay đến khi liệt cơ hô hấp, bệnh nhân sẽ tử vong.

Ở cả hai thể, bệnh nhân dại sẽ tỉnh táo hoàn toàn cho đến lúc chết chứ không bị điên dại như nhiều người lầm tưởng.

Còn nếu thở máy và hồi sức tích cực thì các bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đã kéo được 1 bệnh nhân sống đến 36 ngày sau khi phát bệnh. Tại Mỹ, có báo cáo việc sử dụng phác đồ Milwaukee đã cứu sống được một vài bệnh nhân.

Theo bác sĩ Cấp, người bị chó dại cắn, nếu không tiêm phòng có thể bị phát bệnh dại. Tuy nhiên, khi bị chó dại cắn, không phải 100% số người bị cắn phát bệnh dại mà có người bị, có người không. Nguy cơ bệnh nhiễm bệnh dại tùy thuộc lượng virus trong nước bọt của con vật nhiều hay ít, vết thương sâu hay nông.

Thực tế, không thể dự đoán được người nào có thể bị phát dại hay không. Do đó, tiêm phòng dại ngay sau khi bị chó cắn là cách phòng bệnh tốt nhất.

Theo T.Nguyên

Theo Gia Đình & Xã Hội

Tags: ,