Người bán, chủ thương hiệu, nhà sản xuất Việt Nam sẽ tận dụng được kênh phân phối trực tuyến bán hàng toàn cầu, phát triển kinh doanh, tiếp cận khách hàng qua các trang của Amazon.
Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) vừa qua đã công bố hợp tác với Amazon Global Selling để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.
Điều này đã hiện thực hóa thông tin Amazon đổ bộ vào Việt Nam, xuất hiện từ cuối năm 2018 và được nhắc lại nhiều lần tại các sự kiện về thương mại điện tử.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại cho biết sự hợp tác này bao gồm: ưu tiên cho DNVVN tiếp cận thị trường thế giới với Amazon, phát triển thương hiệu của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam, các chương trình đào tạo cho doanh nghiệp…
Hợp tác của Amazon với Bộ Công thương tương tự như cái bắt tay trước đó của đơn vị này với Hiệp hội thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội nhận xét.
Ảnh minh họa
Về cơ bản, ông Dũng cho biết Amazon sẽ cung cấp dịch vụ Fulfillment by Amazon (FBA) cho doanh nghiệp. Nghĩa là khi có đơn hàng, Amazon sẽ tự động đóng gói và vận chuyển cho khách. Việc của người bán chỉ là gửi hàng sang kho cho Amazon và họ sẽ hoàn tất những việc còn lại.
Quy trình hoạt động của dịch vụ này bao gồm 4 bước: khai báo hàng lên Amazon; Gửi hàng đến kho của Amazon; Amazon nhận hàng và bảo quản sản phẩm trong kho; Khi sản phẩm của được mua, Amazon sẽ đóng gói và vận chuyển chúng đến cho khách hàng.
“Amazon đi nhiều kênh, đối với doanh nghiệp, họ phối hợp với hiệp hội, còn với các chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp, họ đi qua khối Nhà nước. Nhưng tựu chung đều là hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu”, ông nói.
Amazon đang có tổng cộng 13 thị trường với 300 triệu khách hàng đến từ 180 quốc gia và người bán đến từ 172 nước bao gồm Việt Nam. Bên cạnh đó, 25% doanh số bán lẻ trên Amazon thuộc về người bán quốc tế.
Việc hợp tác này được tờ Nikkei đánh giá là bước đi quen thuộc của Amazon khi thâm nhập vào thị trường mới, trước khi cung cấp đầy đủ những dịch vụ của họ. Ví dụ, tại Úc, trước khi ra mắt toàn bộ nền tảng thị trường và nhà kho, Amazon đã giúp cá nhân, doanh nghiệp Úc bán hàng hóa ra nước ngoài trên nền tảng của mình.
Điều này sẽ giúp cho Amazon có được sự thân quen của người tiêu dùng trước khi đổ bộ hoàn toàn.