Nhóm khoa học gia Mỹ chứng minh kiểu ăn “bỏ đói” cơ thể thêm một vài tiếng lúc sáng sớm có thể giúp bạn đẩy lùi các vấn đề chuyển hóa như cholesterol, huyết áp và đường huyết cao, mỡ bụng dày…
Nghiên cứu của Đại học California ở San Diego (UCSD – Mỹ) đã đưa ra một kiểu ăn khá dễ thực hiện nhằm giúp mọi người đánh bại các vấn đề chuyển hóa phổ biến thời nay: cố gắng nhịn suốt 14 tiếng mỗi ngày và ăn tất cả các bữa trong vòng 10 tiếng còn lại.
Việc nhịn ăn 14 tiếng không phải là quá khó khăn, bởi nghiên cứu cũng chứng minh bạn có thể lựa chọn bất cứ thời gian nào trong ngày phù hợp với giờ giấc sinh hoạt của gia đình và công việc. Đơn giản nhất là ăn tối sớm một chút hoặc ăn sáng muộn một chút thay vì làm theo lời khuyên truyền thống là sớm bổ sung năng lượng sau giấc ngủ đêm dài. Ví dụ bạn có thể ăn sáng lúc 8 giờ và cố gắng kết thúc bữa tối trước 18 giờ, hoặc ăn sáng lúc 9 giờ và kết thúc bữa tối lúc 19 giờ.
Kiểu ăn với bữa sáng muộn một chút hoặc bữa tối sớm một chút đủ giúp bạn đẩy lùi các vấn đề về chuyển hóa – ảnh minh họa từ Internet
Để chứng minh, các nhà khoa học đã tuyển dụng 19 tình nguyện viên có tới 3 trong số 5 yếu tố cấu thành hội chứng chuyển hóa: béo phì (hoặc béo bụng), huyết áp cao, đường huyết cao, cholesterol xấu LDL cao (hoặc triglycerides cao), cholesterol tốt HDL thấp. Các tình nguyện viên được đeo một chiếc đồng hồ đặc biệt để theo dõi hoạt động thể chất và giấc ngủ, ghi nhận lượng calo ăn hàng ngày qua một ứng dụng điện thoại. Ngoài ra, họ được yêu cầu ăn sáng lúc 9 giờ và ăn tối trước 19 giờ.
Bài công bố trên tạp chí khoa học Cell Metabolism cho biết kết quả xét nghiệm máu và đánh giá sức khỏe lần thứ 2 sau 12 tuần áp dụng chế độ ăn 14:10 là “đáng ngạc nhiên”. Hầu hết số bệnh nhân giảm được phần lớn trọng lượng cơ thể và giảm mỡ bụng thấy rõ, cho dù không hề cố gắng ăn kiêng. Tuy nhiên dường như kiểu ăn này giúp các bệnh nhân nạp ít hơn 8% số calo một cách tự nhiên mà bản thân họ cũng không nhận thấy. Các chỉ số đường huyết, huyết áp, cholesterol xấu LDL của họ cũng được kéo giảm.
Các nhà nghiên cứu tiết lộ gần 70% bệnh nhân đã cố gắng theo đuổi chế độ ăn này trong vòng 1 năm và cải thiện sức khỏe thấy rõ. Một số người thậm chí còn được bác sĩ cho phép ngưng dùng thuốc.
Trước đây, từng có các nghiên cứu cho thấy các kiểu ăn có nhịn gián đoạn khác như 18:6 hay 16:8 với thời gian nhịn dài hơn, tổng thời gian được ăn ngắn hơn, cũng giúp cải thiện các vấn đề chuyển hóa. Tuy nhiên, với những “cửa sổ” được ăn quá ngắn, nhiều người sẽ khó thực hiện. “Cửa sổ” 10 tiếng là vừa đủ để đạt được hiệu quả mà mọi người vẫn dễ dàng sắp xếp bữa ăn.
https://nld.com.vn/suc-khoe/kieu-an-tuong-khong-khoa-hoc-lai-giup-giam-cholesterol-mo-bung-huyet-ap-20191209113005538.html