logo

Lọt top 10 tốt nhất thế giới: Giáo dục Việt Nam ghi “thành tích ảo”?

Ngày đăng: 15/05/2019 14:48

Giới chuyên gia thẳng thắn nhìn nhận báo cáo Việt Nam lọt top 10 nền giáo dục tốt nhất thế giới là “thành tích ảo” trên trường quốc tế.

Tại buổi tọa đàm “Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số” do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức, Chủ tịch Ủy ban Phan Thanh Bình đã trích dẫn báo cáo kinh tế xã hội của Bộ Kế hoạch đầu tư, kết quả đổi mới giáo dục tại Việt Nam được các nước, tổ chức ghi nhận, đánh giá là 1 trong 10 nền giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương.

Ngay lập tức, các nhiều chuyên gia giáo dục hàng đầu đã phản pháo báo cáo này. Họ cho rằng nền giáo dục Việt Nam nằm ở top 10 nền giáo dục tệ nhất thế giới có vẻ hợp lý hơn.

  lot top 10 tot nhat the gioi: giao duc viet nam ghi "thanh tich ao"? hinh 1
T.S Lưu Bình Nhưỡng (ngoài cùng bên trái) – Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre và thầy giáo Trần Mạnh Tùng (ở giữa)- Giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội nói về việc giáo dục Việt Nam lọt top 10 trên sóng VOV2.

Không bất ngờ và không tự hào

Bản báo cáo của Bộ Kế hoạch đầu tư gửi Quốc hội trong đó nhấn mạnh giáo dục Việt Nam nằm trong top 10 nền giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, được trích dẫn trong báo cáo tăng trưởng thông minh hơn, học tập và phát triển công bằng ở Đông Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), trong đó, đưa ra nhận định: “7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở Đông Á – Thái Bình Dương, trong đó, có sự phát triển thực sự ấn tượng là hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam.

Những phân tích của WB xếp nền giáo dục Việt Nam vào top 10 thế giới được tham khảo từ các chương trình đánh giá quốc tế đã được chuẩn hóa, tiêu biểu là của Đánh giá Chương trình đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD thực hiện.

T.S Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng, bản báo cáo đã khiến nhiều cử tri bày tỏ ý kiến. Thực tế cho thấy, lĩnh vực giáo dục thời gian qua vẫn nảy sinh rất nhiều vấn đề gây bức xúc dư luận cả nước, thậm chí là quốc tế cũng đưa tin. Trong đó, bê bối “mua điểm” tại hàng loạt địa phương như Hòa Bình, Sơn La… đến nay vẫn chưa lắng xuống.

“Tôi không tự hào về điều này. Rất nhiều cử tri cũng bày tỏ ý kiến. Với cá nhân tôi, tôi vừa bất ngờ, vừa không bất ngờ. Không bất ngờ ở chỗ việc nói lạc quan theo cách này ở Việt Nam rất phổ biến. Trong các hội nghị, các tọa đàm, các hội thảo đều có những đánh giá rất lạc quan như vậy. Việt Nam là một nước nghèo, đang ở diện nước đang phát triển, thu nhập trung bình, đang phải chờ cất cánh khi vấn đề kinh tế xã hội đang còn rất nhiều khó khăn. Nền giáo dục của chúng ta thực sự thiếu tất cả các nguồn lực”, ông Lưu Bình Nhưỡng nhận định về xếp hạng lọt top 10 của nền giáo dục Việt Nam.

banner

Thầy giáo Trần Mạnh Tùng, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng cho rằng, mình không bất ngờ với kết quả top 10 vừa công bố.

“Tôi không bất ngờ, nhưng tôi không tin. Nhiều người cũng không tin. Làm giáo dục nên chúng tôi nhận thức được nhiều yếu kém của giáo dục mà so với sự tiến bộ của thế giới thì chúng ta còn thua xa. Gần đây cũng có chỉ số mà nhiều người cũng không tin được. Đó là chỉ số hạnh phúc, với công bố của thế giới là Việt Nam đứng thứ 5 về chỉ số hạnh phúc. Chắc chắn là khó mà tin được”, thầy Tùng nói.

Theo các chuyên gia, không thể phủ nhận những thành tựu, những điểm sáng mà nền giáo dục Việt Nam gặt hái được như tỷ lệ trẻ đến trường, sự thành công của thí sinh Việt Nam trên đấu trường tri thức của thế giới hay những nỗ lực cải cách giáo dục trong những năm vừa qua… Song nếu nói nền giáo dục Việt Nam đứng trong top 10 thế giới, thì có gì đó khiên cưỡng, thậm chí nhiều người cảm thấy ngại ngùng, cảm thấy ngần ngại với xếp hạng này của quốc tế.

Nhiều ý kiến lý giải, mức xếp hạng quốc tế như vậy là do ngay từ đầu các bản báo cáo, những đánh giá ban đầu đã làm theo kiểu đối phó. Ví dụ như kiểm định chất lượng giáo dục hay hàng loạt các trường đại học đạt chuẩn về kiểm định chất lượng giáo dục, song có đạt chuẩn thực sự hay không vẫn là sự hoài nghi. Nếu dựa vào thành tích của học sinh Việt Nam trên đấu trường quốc tế thì vẫn có thể không đúng vì nhiều khi các em được luyện như “gà nòi” để đi thi đấu, trong khi nền giáo dục toàn diện Việt Nam chưa hẳn đạt được đỉnh cao như vậy.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cũng thẳng thắn phê phán tư tưởng chạy theo thành tích, thành tích ảo không chỉ trong nước mà ngay trên trường quốc tế.

“Cái đáng sợ nhất là thành tích ảo trong chính đất nước mình. Bản thân chúng ta phải nhìn nhận chính xác. Chúng ta luôn lựa chọn thành tích, con số, lựa chọn những thống kê, những báo cáo đẹp… để tô hồng, để hoa mĩ hóa những kết quả đã đạt được. Thực tế không hề hiếm gặp là “chứng chỉ thì có, mà trình độ thì không”. Đồng thời là việc lược bỏ, che giấu mọi lỗi lầm, những hạn chế tồn tại… khiến những con số thống kê rất ảo”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Giáo dục của Việt Nam có khủng hoảng?

Rõ ràng trong những năm qua, giáo dục Việt nam có những mâu thuẫn, uẩn khúc trong nội tại nền giáo dục. Ý kiến giới chuyên gia, những người trực tiếp làm trong ngành giáo dục cho rằng, nền giáo dục sẽ phản ánh rõ nhất sự phát triển của xã hội và rõ ràng có thể thấy giáo dục Việt Nam chưa thể có sự phát triển như vậy. Chính những người làm giáo dục cũng không khỏi băn khoăn về xếp hạng này và không thể vui mừng với xếp hạng top 10 nền giáo dục tốt nhất thế giới này.

Theo nhiều ý kiến, học sinh đang được dạy trong trường để đỗ, để nghe lời thầy cô, để được giấy khen. Và câu hỏi lớn lâu nay là: “Khi bước ra ngoài cổng trường những điều này có giá trị gì?” Nhiều người đã mất niềm tin, đặc biệt các phụ huynh đã chia sẻ, nếu giáo dục Việt Nam như thế này thì con họ, cháu khi hưởng giáo dục như vậy thì có thể thành người được không?

Nhìn vào cách vận hành, chúng ta biết rằng hệ thống giáo dục Việt Nam đào tạo học sinh thành những công cụ. Học sinh học rất nặng về lý thuyết và khái niệm mà không được thực hành, được trải nghiệm và khám phá. Toàn bộ học sinh bị cuốn vào guồng máy học để thi và thi gì thì học nấy.

Theo Bá Duy

Theo VOV

Tags: ,