logo

Người tiêu dùng bị tung hỏa mù

Ngày đăng: 25/06/2019 10:24

Nhiều luật sư cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp trong nước đang kinh doanh kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” lợi dụng chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.

Lắp ráp TV tại Công ty Asanzo ảnh: UP

Lắp ráp TV tại Công ty Asanzo ảnh: UP

Trục lợi

Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), trên thị trường hiện nay, sản phẩm rất bát nháo về nguồn gốc, chất lượng. Không ít nhà sản xuất ở Việt Nam đưa ra thông tin sản phẩm rất mù mờ để đánh lừa người tiêu dùng.

Theo luật sư Tú, nhiều hãng sản xuất hàng hóa, đặc biệt là điện lạnh, điện máy, điện tử, hàng gia dụng hay đưa ra câu từ mơ hồ đánh lừa người tiêu dùng như: “công nghệ Pháp”, “công nghệ Nhật Bản”, “công nghệ Đức”… “Họ cố tình nói để làm sao người dân tin rằng hàng hóa này được sản xuất hoặc là ở chính quốc, hoặc nhập dây chuyền máy móc và công nghệ của chính quốc về sản xuất tại Việt Nam. Thực tế theo tôi được biết không phải vậy. Khi bắt lỗi các nhà sản xuất này thì họ lập luận: Tôi có lừa gì đâu. Tôi chỉ nói công nghệ Nhật, Pháp… thôi. Từ “công nghệ” quá mơ hồ với người tiêu dùng. Cái người tiêu dùng cần là hàng hóa này chính xác sản xuất ở đâu”, luật sư Tú nói.

Theo ông Tú, hiện rất nhiều doanh nghiệp làm ăn kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” bằng cách nhập, tháo rời từng phần linh kiện về để lắp ráp tại Việt Nam rồi dán mác hàng Việt Nam chất lượng cao, xuất xứ tại Việt Nam… Họ đánh vào tâm lý ủng hộ hàng Việt của người dân, trục lợi trên niềm tin của người tiêu dùng.

“Nếu hàng Trung Quốc được định giá trên thị trường chỉ 1 đồng nhưng gắn thêm chữ “công nghệ Pháp…”, “sản xuất tại Việt Nam”… lập tức trị giá hàng lên tới 3 đồng, 5 đồng, đắt lên một cách vô lý, người tiêu dùng rất dễ mắc bẫy. Thậm chí, doanh nghiệp còn đẩy mạnh quảng cáo, khuếch đại lên rằng họ nghiên cứu ra công nghệ kháng khuẩn, công nghệ Nano… “Tình trạng này diễn ra khắp cả nước nhiều năm qua”, ông Tú nói.

banner

Ðánh đố

Luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico) cho rằng, kẽ hở pháp luật lớn nhất hiện này là không phân biệt, định nghĩa được rõ ràng giữa sản xuất và lắp ráp (lắp ráp bao nhiêu phần trăm, lắp ráp mức độ thế nào), xuất xứ (từ một nước hay nhiều nơi). Người tiêu dùng như bị đánh đố, chẳng biết đâu mà lần. Các doanh nghiệp đánh vào tâm lý chuộng hàng Việt, không thích hàng Trung Quốc của một số người.

Trước đó, Tổng giám đốc điều hành Asanzo Phạm Văn Tam giải thích với một số cơ quan báo chí về việc hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam là do các công ty phụ trợ, nhượng quyền thương mại của Asanzo nhập khẩu về bán và công ty không có khiếu nại. Ông Tam nói rằng, doanh nghiệp này không đăng ký bảo hộ thương hiệu Asanzo tại Việt Nam. “Nếu ông Tam nói thẳng: tôi kinh doanh vì tiền, vì lợi nhuận, cái gì lách được thì lách, không tù tội thì tôi làm… thì người tiêu dùng cũng không trách móc. Đằng này ông Tam vẫn nói “vì người tiêu dùng Việt Nam” nhưng lại đi trục lợi trên lòng tin thì không thể chấp nhận”, luật sư Đức bày tỏ.

Luật sư Tú cho rằng, các doanh nhân Việt cần trung thực với thị trường, người tiêu dùng, đặc biệt là với các mặt hàng điện tử, điện lạnh, cơ khí chế tạo máy… mà doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ lực để sản xuất hoàn chỉnh một sản phẩm.

“Hãy cho họ biết rằng các anh có ước mơ tạo ra một sản phẩm 100% tại Việt Nam nhưng do nguồn lực hạn chế, mới tham gia thị trường, anh cần phải đi từ những nền móng cơ bản như nhập khẩu về lắp ráp, dần dần có tiềm lực tài chính có thể tự nghiên cứu, tự sản xuất ra những sản phẩm của mình trong tương lai. Mong người tiêu dùng ủng hộ để thực hiện mục tiêu cao đẹp đó… Người tiêu dùng cần ở các doanh nhân, doanh nghiệp sự chân thành chứ không phải sự giả dối, lợi dụng lòng tin của họ để trục lợi”, luật sư Tú nói.

Những gì pháp luật không cấm, DN được quyền làm

Ở góc độ quản lý hàng hóa nhập khẩu, một lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM cho rằng, về nguyên tắc, doanh nghiệp A nhập khẩu hàng về bán cho doanh nghiệp B là chuyện bình thường.“Chúng tôi đang rà soát lại, song không phải doanh nghiệp nào đứng tên nhập sản phẩm nhãn hiệu Asanzo về đều là doanh nghiệp “ma”. Về nguyên tắc, những gì pháp luật không cấm thì doanh nghiệp được quyền làm. Họ nhập khẩu linh kiện về lắp ráp, còn nội địa hóa được bao nhiêu để sản phẩm hoàn thiện có giá thành bán ra chỉ bằng 1/2 sản phẩm cùng loại trên thị trường cũng là điều dễ hiểu. Quan trọng nhất bây giờ là cơ quan chức năng liên quan vào cuộc điều tra, có kết luận cụ thể ra sao mới có thể xử lý được doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”, đại diện Cục Hải quan TPHCM nói.

Theo Tuấn Nguyễn

Theo Tiền Phong

Tags: ,