Khi vướng lùm xùm đạo thơ làm nhạc, Phạm Hồng Phước và Châu Đăng Khoa đều đưa ra một lời giải trích rằng họ không biết chủ nhân bài thơ mà họ lấy cảm hứng sáng tác là ai.
2 vụ đạo thơ làm nhạc khiến dư luận dậy sóng
Gần đây, Châu Đăng Khoa gây ồn ào khi vướng nghi vấn đạo thơ làm nhạc. Cụ thể, “Người lạ ơi” và “Tình nhân ơi” của nam nhạc sĩ bị phát hiện có những ý tương đồng với tập thơ “Những nỗi buồn không tên” của Linh Linh xuất bản năm 2016.
Trước nghi vấn đạo thơ, Châu Đăng Khoa phủ nhận. Nam ca sĩ khẳng định anh chỉ lấy cảm hứng sáng tác nhạc từ những bài thơ trên mạng và do không biết tác giả là ai nên đã không xin phép. Để sửa sai, Châu Đăng Khoa xin tác giả cho anh trả phí tác quyền.
Khi lời thanh minh gây phản ứng trái chiều, Châu Đăng Khoa tiếp tục lên tiếng. Nam nhạc sĩ cho biết anh đã xin lỗi Linh Linh. Thế nhưng, tác giả “Người lạ ơi” vẫn khẳng định không đạo thơ và chỉ nhận lỗi chậm trễ trả phí tác quyền.
Phía tác giả Linh Linh cũng đã có những phản hồi. Trên trang cá nhân, Linh Linh cho hay vì nhận thấy lời xin lỗi của Châu Đăng Khoa chưa thỏa đáng nên cô trả lại tiền phí tác quyền mà anh chuyển khoản đồng thời giao toàn quyền cho bên nhà xuất bản xử lý.
Châu Đăng Khoa. Ảnh: Vietnamnet
Theo Vietnamnet, phía nhà phát hành tập thơ “Những nỗi buồn không tên” cho biết, đơn vị đã mua bản quyền tập thơ trong thời hạn 5 năm và cho rằng bất cứ hình thức nào sao chép, khai thác, sử dụng đều vi phạm bản quyền.
“Hiện vụ việc chúng tôi chưa nhận được sự liên lạc từ phía nhạc sĩ Châu Đăng Khoa, cũng như chưa nhận được lời đính chính, xin lỗi”, đại diện đơn vị phát hành tập thơ của Linh Linh chia sẻ thêm.
Châu Đăng Khoa không phải là nhạc sĩ đầu tiên bị tố đạo thơ làm nhạc. Năm 2014, dư luận cũng đã dậy sóng vì ca khúc “Khi chúng ta già” Phạm Hồng Phước vướng nghi vấn đạo bài thơ cùng tên của Nguyễn Thị Việt Hà.
Chia sẻ về ca khúc bị tố đạo nhái, Phạm Hồng Phước cho biết anh lấy nguồn cảm hứng sáng tác từ những gì đọc được trên mạng xã hội. Do bài thơ không đề tên tác giả nên Hồng Phước không biết chủ nhân bài thơ là Việt Hà.
Hồng Phước cũng không quên gửi lời xin lỗi Việt Hà và người hâm mộ. Để sửa sai, anh ghi rõ ca khúc “Khi chúng ta già” được phổ từ bài thơ cùng tên của Nguyễn Thị Việt Hà đồng thời trả phí tác quyền cho nhà thơ.
Nhạc sĩ trẻ bị tố đạo thơ làm nhạc: Coi thường quyền tác giả?
Khi vướng lùm xùm đạo thơ làm nhạc, Phạm Hồng Phước và Châu Đăng Khoa đều đưa ra một lời giải trích rằng họ không biết chủ nhân bài thơ mà họ lấy cảm hứng sáng tác là ai. Liệu việc tra nguồn có khó đến mức hai nhạc sĩ trẻ này phải bó tay?
Thực tế, trong thời đại công nghệ phát triển, nếu chịu khó tìm hiểu, sẽ biết ai là tác giả. Thế nên, quan trọng là người nhạc sĩ có thực sự muốn biết chủ nhân bài thơ, đoạn văn mà họ lấy cảm hứng để viết lên những bản nhạc hay không mà thôi.
Thiết nghĩ, thơ, nhạc, tranh ảnh hay phim là những sản phẩm tinh thần. Khi đứa con đẻ tinh thần bị đạo nhái, tác giả sẽ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất trong khi đó, những người “quên” đề tên tác giả tất nhiên sẽ đánh mất hình ảnh.
Như trường hợp của Phạm Hồng Phước. Sau khi vướng đạo thơ làm nhạc, Phạm Hồng Phước bị ném đá dữ dội, đánh mất hình ảnh ca sĩ trẻ tài năng. Kể từ đó, anh hoạt động nghệ thuật âm thầm.
Phạm Hồng Phước. Ảnh: Saostar
Sau này, khi trở lại, Phạm Hồng Phước tâm sự scandal năm xưa là bài học đắt giá ở tuổi trẻ nông cạn và thiếu suy nghĩ của mình. “Từ cú sốc ấy, tôi trách mình là nhiều bởi bản thân đã xử lý chuyện quá non kém.
Khi tham gia vào nghệ thuật, tôi đã có những cư xử không đúng. Nhìn lại thời gian đó, tôi đã quá bồng bột và háo thắng. Người ta nói, nói một câu xin lỗi có khó lắm đâu nhưng với tôi lại rất khó khăn.
Tôi ước gì bản thân mình lúc đó biết kiểm soát, kìm hãm tính háo thắng lại chắc sự việc sẽ được giải quyết ổn thỏa và hay hơn”, Phạm Hồng Phước chia sẻ trong cuộc phỏng vấn trên Saostar.
Scandal của Phạm Hồng Phước, Châu Đăng Khoa là bài học đắt giá cho những người nghệ sĩ rằng dù việc vay mượn sản phẩm tinh thần từ người khác có bị phát hiện hay không thì nhất thiết phải tôn trọng bản quyền tác giả.
Theo Thu Cúc
Tags: Châu Đăng Khoa, đạo nhạc, đạo thơ