Khi sử dụng hay tái sử dụng các loại bao bì, hộp, ly, chén… bằng nhựa, chúng ta cần phải nắm rõ các nguyên tắc an toàn cơ bản, để chính mình và người thân không phải đối mặt với rủi ro về sức khỏe.
Tiến sĩ Phạm Thị Kim Giang, giảng viên Bộ môn Hóa học, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo tiến sĩ Phạm Thị Kim Giang, giảng viên Bộ môn Hóa học, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, để biết được các loại đồ nhựa có thể tái sử dụng được hay không và tái sử dụng cho mục đích gì, trước hết cần quan sát kí hiệu được dập dưới đáy của món đồ đang quan tâm, đó là những con số (nằm trong khoảng 1-7) được đặt trong hình tam giác cấu thành từ ba mũi tên, mỗi con số lại mang một ý nghĩa riêng, cụ thể:
Số 1 – PET (nhựa Poly Ethlyen Terephthalate): Thường là các loại nước giải khát đóng chai. Loại đồ nhựa này có thể tái sử dụng nhiều lần nhưng tốt nhất là không nên dùng để đựng thực phẩm và tuyệt đối không được đựng đồ nóng, vì thành phần nhựa có thể thôi ra đồ ăn thức uống làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Số 2 – HDPE (nhựa có tỉ trọng Poly Ethylen cao): Thường là các chai sữa, chai nước suối, nước trái cây, thuốc tẩy hay dầu gội đầu. Đây là một loại nhựa khá an toàn, có thể tái sử dụng cho nhiều mục đích. Tuy nhiên, chỉ sử dụng những chai, lọ trước đó là bao bì thực phẩm để đựng thực phẩm và không được đựng đồ nóng.
Số 3 – PVC (Nhựa Polyvinyl Chloride): Thường là chai xà phòng, chai nước tẩy rửa, túi nhựa, đây là loại nhựa độc, không được tái sử dụng.
Số 4- LDPE (Nhựa có tỉ trọng Poly Ethylen thấp):Thường là túi nhựa đựng thực phẩm, có thể tái sử dụng nhưng không nên dùng cho mục đích đựng đồ ăn, thức uống.
Số 5 – PP (nhựa Poly Propylen): Thường là bao bì của các sản phẩm thực phẩm và dược phẩm, đây là loại nhựa an toàn có khả năng chịu nhiệt cao nên có thể tái sử dụng với nhiều mục đích.
Số 6 – PS/PS-E (nhựa Poly Styren/Expanded Poly Styren): Thường gặp nhất là khay đựng trứng, hộp xốp, hộp đựng thức ăn dùng một lần. Đây là loại nhựa dễ dàng thôi ra các chất độc khi gặp nhiệt độ cao, không nên tái sử dụng.
Số 7 – Các loại nhựa khác: Thường là các chai nước lớn, chai đựng nước trái cây, đây là loại nhựa hoặc hỗn hợp nhựa không thuộc 6 loại kể trên, các loại bao bì có kí hiệu này không nên tái chế.
Ngoài ra, TS Giang cho biết, để sử dụng đồ nhựa an toàn cần lưu ý những vấn đề sau:
-Các loại loại ly, bát, đĩa nhựa dùng một lần tuyệt đối không được tái sử dụng để đựng thực phẩm, ngay cả khi chúng được làm từ nhựa PP, bởi ở lần sử dụng tiếp theo, các chất có trong chai lọ nhựa dưới tác động của nhiệt độ và môi trường, nó sẽ bị phân hủy và ngấm vào thực phẩm, có hại cho sức khỏe con người. Nếu muốn tận dụng có thể dùng để đựng những thứ không liên quan đến thực phẩm, một gợi ý cho bạn là tái chế thành chậu trồng cây.
-Các loại chai đựng nước giải khát, ngay cả nước khoáng, nước tinh khiết cũng không nên tái sử dụng để đựng nước, đồ ăn. “Đây là sai lầm mà nhiều người thường mắc phải, thậm chí có không ít trường hợp còn dùng loại chai này để đựng đồ nóng, khiến nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe càng tăng lên”, TS Giang nhấn mạnh.
-Chỉ các loại hộp, đồ nhựa chuyên dụng mới được sử dụng trong lò vi sóng. Với các loại nhựa thông thường, sóng ngắn từ thiết bị này sẽ gây đứt gãy các liên kết mạch dài Polymer và làm nhiễm vào thực phẩm.
-Chỉ nên sử dụng túi nilon làm từ nhựa PP để đựng thực phẩm, đặc biệt không nên dùng bất cứ loại túi nilon nào để đựng đồ nóng. Chuyên gia này cũng cho biết thêm: “Các loại túi nilon có màu thì càng độc hại bởi ngoài thành phần nhựa, còn có phẩm màu có thể ngấm vào thực phẩm.
-Không nên dùng hộp xốp để đựng thức ăn. “Thực trạng đáng buồn là nhiều quán ăn, đặc biệt là quán cơm bình dân, vẫn sử dụng hộp xốp để đựng thức ăn và nhiều khi là đồ đang còn nóng hổi, dẫn đến nhiều rủi ro về sức khỏe cho thực khách.” – Tiến sĩ Giang phân tích.
-Các sản phẩm ly, bát giấy dùng một lần, bên trong vẫn được tráng một lớp nhựa mỏng để chống thấm nên cũng không được tái sử dụng để đựng thực phẩm.
Theo Minh Nhật
Dân trí