logo

Nở rộ lừa đảo qua điện thoại, internet: Ly kỳ cán bộ về hưu bị lừa 500 triệu

Ngày đăng: 23/08/2019 11:21

Khu đồi phía Hòn Gai, TP. Hạ Long (Quảng Ninh) có nhà ông T. K. H. (86 tuổi), người vừa bị một nhóm tội phạm gọi điện lừa đảo lấy mất hơn 500 triệu đồng.

Ngày 22/8, ông H. lại thẫn thờ tìm đến ngân hàng, nơi mà ông đã viết giấy chuyển tiền cho bọn lừa đảo

Ngày 22/8, ông H. lại thẫn thờ tìm đến ngân hàng, nơi mà ông đã viết giấy chuyển tiền cho bọn lừa đảo

“Sống từng này tuổi nhưng đến giờ tôi vẫn không ngờ lại bị chúng lừa hết số tiền mà hai vợ chồng tích góp cả đời. Đau xót lắm cháu ạ, vừa tủi nhục, vừa xấu hổ với vợ con, nhiều khi tôi đã nghĩ đến chuyện nhảy cầu” – ông H. rưng rưng nước mắt kể lại.

Vợ chồng ông H. là cán bộ về hưu, có 3 người con đều đi làm ăn xa. Hai vợ chồng ông nương tựa lẫn nhau trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ tại phường Hòn Gai, TP. Hạ Long. Vợ ông H. mắc bệnh Parkinson đã nhiều năm. Ông H. cũng bị bệnh tim mãn tính, nhiều lần chữa chạy nhưng không có kết quả.

Đầu tháng 4/2019, ông H. bị một cơn đau tim đột ngột phải đi bệnh viện cấp cứu. Mặc dù sức khỏe chưa ổn định nhưng ông vẫn phải xin bác sỹ xuất viện sớm vì vợ ông cũng đau ốm nằm nhà một mình không ai chăm sóc. Tối 10/4, ông H. lại lên cơn đau tim, khi được bác sỹ hướng dẫn chữa trị tại nhà, ông H. đã uống tăng gấp đôi liều lượng thuốc thông thường cùng 2 viên thuốc ngủ liều cao.

Khoảng 8h sáng 11/4, vừa lúc ngủ dậy đang trong cơn mê man vì tác dụng của thuốc, ông H. nhận được một cuộc gọi từ máy bàn, phía bên kia tự xưng là cán bộ của Bộ Công an, đang tiến hành điều tra một vụ án kinh tế với số tiền gần 200 tỷ đồng. Người này nói ông H. là đầu mối có liên quan đến vụ án vì các đối tượng bị bắt đã khai tên ông.

Ông H. liên tục phủ nhận nhưng phía bên kia vẫn khăng khăng buộc tội và dọa sẽ đến tận nhà bắt tạm giam ông để phục vụ điều tra. Đối tượng này còn ra lệnh cho ông chuẩn bị 3 bộ quần áo và các vật dụng cá nhân và nói ngay sau đó công an sẽ đến nhà đọc lệnh bắt giữ. Theo ông, khi đối tượng cảm nhận được ông run sợ, chúng liền nói “ông là người có nhân thân tốt nên cho ông được quyền hợp tác với công an để tránh bắt bớ, mất danh dự”.

Khi biết “con mồi” đã mắc bẫy, các đối tượng liền tung ra chiêu trò dụ dỗ để ông H. khai ra tiền gửi ở các ngân hàng. “Chúng đọc tên một loạt ngân hàng và hỏi tôi có gửi tiền vào đấy không. Khi đọc đến tên Ngân hàng Ngoại thương, tôi đã thú nhận có gửi 350 triệu đồng. Đấy là tiền của họ tộc đóng góp xây lăng mộ cho ông bà tổ tiên vì tôi là trưởng họ”, ông H. kể.

Ngay khi dứt cuộc điện thoại, ông H. đã mở ngay di động gọi cho Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh để xác minh sự việc. Nhưng do mắt mờ nên ông đã bấm nhầm hai lần vào số máy người khác. Oái oăm là khi ông gọi điện thì ống nghe của máy bàn vẫn đang kết nối cuộc gọi với các đối tượng lừa đảo. Ngay tức khắc, các đối tượng liền dọa ông không được gọi cho công an, vì tính bí mật của vụ án.

Ngay trong buổi sáng, ông H. đã trực tiếp đến ngân hàng chuyển 350 triệu đồng vào tài khoản có địa chỉ tại Bắc Ninh. Sau khi chuyển tiền ông H. vẫn chờ đợi được “Bộ Công an” trả tiền. Đến 8h sáng 12/8, các đối tượng gọi điện lại cho ông H. và truy số tiền gửi của ông tại Ngân hàng Quân đội. Chúng yêu cầu ông gửi nốt 154 triệu đang gửi tại ngân hàng này với lời hứa sẽ chuyển hồi vào 10h sáng cùng ngày.

Ông H. một lần nữa tin lời và tiếp tục chuyển số tiền trên vào một tài khoản có địa chỉ tại TP. Móng Cái do các đối tượng cung cấp. Sau khi gửi xong, ông H. về nhà chờ đợi để được trả tiền nhưng đến hơn 12h trưa cùng ngày cũng không thấy đâu. Ông mới lục tìm số điện thoại và gọi cho Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh. Sau khi trình bày, ông H. mới tá hỏa mình bị lừa.

Hành vi lừa đảo nguy hiểm

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, tại Quảng Ninh, những trường hợp bị lừa qua điện thoại như ông H. không phải là ít. Tại phường Bãi Cháy cũng xảy ra một vụ lừa đảo mà nạn nhân là một bà chủ khách sạn. Nhóm nghi can gọi đến dọa bà “vừa bắt nhóm 10 người đêm qua đã ngủ tại khách sạn” của bà này. Các đối tượng “đã khai nhận hết và khách sạn của bà chính là nơi trung chuyển của đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia”.

Bà chủ khách sạn cũng bị nhóm đối tượng dọa bắt và cấm cho ai biết việc này với lý do Bộ Công an đang bí mật điều tra. Chúng rà soát các tài khoản ngân hàng của đối tượng và bắt đối tượng chuyển khoản 6 tỷ đồng.

Đại tá Thái Hồng Công, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh nói: “Chúng tôi đánh giá hành vi lừa đảo này là rất nguy hiểm. Sau một thời gian điều tra, chúng tôi nhận thấy các số máy mà các đối tượng lừa đảo dùng để gọi cho nạn nhân đều có đầu số ở nước ngoài”.

“Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát đi rất nhiều cảnh báo về loại tội phạm này. Các cơ quan thông tấn báo chí cũng đã nêu rất nhiều về những trường hợp, chiêu trò lừa đảo qua điện thoại. Đây là chiêu trò cũ nhưng vẫn có người bị lừa. Chúng tôi đang phối hợp cùng các đơn vị điều tra, tổng hợp các vụ án để các vụ án có kết quả sớm nhất”, đại tá Công cho biết.

“Chúng đọc tên một loạt ngân hàng và hỏi tôi có gửi tiền vào đấy không. Khi đọc đến tên Ngân hàng Ngoại thương, tôi đã thú nhận có gửi 350 triệu đồng. Đấy là tiền của họ tộc đóng góp xây lăng mộ cho ông bà tổ tiên vì tôi là trưởng họ”. Ông H. kể

Theo HOÀNG DƯƠNG

Theo Tiền Phong

Tags: ,