logo

Phóng sinh là phúc hay tội?

Ngày đăng: 20/02/2019 19:48

Theo quan niệm nhà Phật, phóng sinh là việc hành thiện tích đức cứu các loài sinh vật khỏi bị giết hại hay giam cầm, trao cho chúng thêm một cơ hội sống tự do

“Dì dượng Bảy tôi ở quê là người giàu có tiếng, sáng sớm ngày rằm tháng Giêng ba năm trước dì dượng kêu con trai lái ô tô ra chợ gần nhà mua hết cá lóc, lươn, cá mè, ốc, ếch… còn sống chở về nhà, đợi sau khi kết thúc lễ cúng rằm ở chùa làng sẽ mang lên hồ đập thủy điện phóng sinh tích phúc. Không rõ ở nhà bảo quản thế nào mà đầu giờ chiều, khi chở mấy thùng cá, ếch lên hồ mở ra để thả thì thấy chết quá nửa” – chị Nguyễn Thị Trâm kể.

Làm phúc không thành

Cũng theo chị Trâm, sau sự việc đó, dì của chị lo lắng, hoang mang, đi cầu an khắp mấy chùa lớn nhỏ trong vùng để trừ xui xẻo. “Từ đó dì bỏ hẳn phóng sinh các dịp lễ, Tết, ngày rằm. Dì nói ngày đó ăn chay được rồi, phóng sinh mà không thành, không đúng cách hóa ra… làm ác, trong lòng áy náy, ăn ngủ không yên” – chị Trâm nói.

Từ Bến Tre theo người nhà lên Sài Gòn viếng chùa rằm tháng Giêng, chị Lê Thị Thắm chia sẻ: “Mình tin Phật, tin nhân quả nhưng khi đi chùa mình không bao giờ bỏ tiền mua rùa, chim phóng sinh. Mình nghĩ nhu cầu đó của nhiều người đã tạo cớ để người ta đi bẫy chim, bắt cá, khác gì gián tiếp làm tổn hại chúng sinh. Thôi thì ngày thường gặp mèo hoang, chó lạc… nếu giúp được đến đâu mình sẽ giúp chúng hết sức, như vậy cũng là làm lành tạo phước”.

Cách nhiều người phóng sinh cho có lệ, thấy người ta làm cũng làm theo đã vô tình trở thành sát sinh. “Rằm tháng Giêng năm trước, tôi đưa bạn gái đi chùa cầu an, thấy người ta mua chim sẻ thả, cô ấy cũng đòi mua chim thả cho bằng được vì… người ta làm quá trời kìa! Sau khi tôi chỉ cho thấy những chú chim ốm yếu, rồi xác những chú chim nằm chết cạnh lối đi, cô ấy nói không muốn thả chim phóng sinh nữa. Cô ấy sợ những chú chim được thả ra sẽ không còn bay được về tới tổ mà sẽ chết bên đường” – anh Thái Đăng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) kể lại câu chuyện của mình.

Anh Đăng cũng tâm sự ánh mắt tuyệt vọng của những chú chim bị nhốt bán nơi cổng chùa, cảnh những chú chim chết, bay không nổi sau khi được phóng sinh trong sân chùa ám ảnh anh rất lâu sau đó. “Tôi không hiểu tại sao rất nhiều người cho rằng cứ phóng sinh là sẽ giải được hạn, đổi lại bình an. Họa, phúc đời người đâu phải cứ mua chim, cá thả ra mà đổi được. Quan trọng nhất vẫn là sống tốt, có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, không làm điều gì trái với lương tâm, đó chính là sự bình an” – anh Đăng nói.

Phóng sinh là phúc hay tội? - ảnh 1

Người dân khấn niệm trước khi phóng sinh chim, cá. Ảnh chụp tại chùa Diệu Pháp, TP.HCM chiều 19-2. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

“Phóng sinh không giúp giải hạn!”

Theo Thượng tọa Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, phóng sinh tức là phóng thích, cứu mạng sống, ban cho sự tự do, giúp một chúng sanh trở về với đời sống thực sự của chúng… Còn về nghĩa bóng, phóng sinh là phóng thích tâm tham, đố kỵ, hơn thua, thù hận… ra khỏi con người.

“Đối với người theo đạo Phật, hành động phóng sinh những con vật đang gặp nạn như cá mắc lưới, chim bị bẫy… là việc làm từ tâm từ bi, không nhất thiết phải thông qua nghi thức hay cần có một dịp lễ lớn để thực hiện. Trong đời sống hằng ngày, người ta vẫn có thể mở lòng thiện để cứu giúp các sinh vật nhỏ bé” – thượng tọa chia sẻ.

Thượng tọa cũng cho biết thêm, theo quan niệm dân gian, người dân thường phóng sinh vào các dịp rằm, lễ lớn trong năm, nhất là rằm tháng Giêng với mong muốn cầu mong cả năm được bình an. Ở góc độ tích cực, đây là một việc thiện nhưng nếu quan niệm chỉ cần phóng sinh sẽ giải được mọi hạn tai thì không đúng.

“Phóng sinh là từ tâm nhằm cứu vớt các sinh linh, không thể dùng việc phóng sinh để đổi lấy may hay giải hạn cho con người. Nhiều trường hợp người dân đổ xô đi phóng sinh đã tạo cơ hội cho người khác đánh bắt, buôn bán chim, cá… sát hại sinh vật thì đây là việc người phóng sinh cần phải suy nghĩ. Đừng vì suy nghĩ chưa đúng mà gián tiếp tạo thêm nghiệp xấu cho bản thân” – Thượng tọa Thích Giác Toàn nhấn mạnh.

Tập tục phóng sinh khởi nguồn từ Phật giáo Trung Hoa và được Phật giáo Việt Nam tiếp nhận như việc làm hành thiện. Phóng sinh không chỉ thuần túy về tôn giáo mà còn gắn liền với hoạt động thực hành văn hóa của người dân. Hành động phóng sinh từ niềm tin Phật giáo có ý nghĩa tạo lấy phước đức, đồng thời tập cho con người có ý thức về giá trị của sự sống, biết ý nghĩa về cuộc sống của cá nhân khác và hướng con người làm nhiều điều tốt đẹp hơn cho cộng đồng ( TS tôn giáo DƯƠNG NGỌC DŨNGgiảng viên khoa Triết học Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM)

Theo Trúc Phương

Theo Pháp Luật Tp.HCM

Tags: ,