Màu tết Sài Gòn thực ra không phải là “đèn ngọn xanh ngọn đỏ” như vẫn thường được trang trí ở khu trung tâm. Đèn Sài Gòn xanh đỏ quanh năm.
Có nhiều đèn hơn, ảo diệu như cả trời sao sa xuống cũng là Sài Gòn đấy, mà có lẽ, muôn sắc lung linh ấy đã được mặc định là của Giáng sinh rồi. Người ta thắp đèn từ Giáng sinh, để tới qua tết mới gỡ xuống, cất đi, chờ cuối năm sau lại lên đèn.
Ban ngày của Sài Gòn những hôm tết nhất lạ lắm – cứ như một cô gái ngủ lười, không chịu dậy quét sân quét nhà. Sài Gòn ngày tết, người đi đâu hết, đường sá thông thoáng, “tầm nhìn xa tới rất xa”, vì không khí trong lành, ít vẩn khói bụi xe cộ. Người nhập cư đã lên tàu, theo xe về ăn tết. Người có điều kiện đã du lịch xa. Người truyền thống thì “cố thủ” trong nhà cúng kiếng, vui vầy bên con cháu. Cả năm bươn chải ngoài đường rồi mà.
Người vắng, xe thưa, Sài Gòn mang vẻ trầm tư khác thường. Nếu ai ra đường ngày mùng Một tết, sẽ thấy một Sài Gòn lạ lẫm: yên bình hơn cả Nha Trang, Vũng Tàu, thậm chí những con phố tỉnh lẻ. Hàng quán bên đường đóng cửa im ỉm, chừa lại phía ngoài đôi chậu hoa cúc vạn thọ, hướng dương, cúc mâm xôi… Những chậu bông vàng như giữ cửa, như báo với thế giới rằng, có chúng tôi ở đây canh tết, góp sắc hương cho tết, bạn cứ việc nghỉ ngơi.
Người miền Nam thích hoa vàng – thứ màu có năng lượng dương đầy tích cực, ấm như nắng, vui như tiếng cười, trẻ như tuổi thanh xuân. Đó là thứ màu mà ngay cả khi đã héo, đã rụng, vẫn chỉ chuyển tông trầm để đậm đà hơn, để báo với thế giới rằng, chúng tôi vừa góp hết sắc hương cho một mùa lộng lẫy – mùa tết.
Những ngả đường Sài Gòn mùa tết còn nhuốm một sắc vàng lãng mạn khác của những thảm hoa lim xẹt (hoa điệp vàng) – thứ hoa ngày thường chỉ vàng đâu đó trên vòm cây cao, chỉ dành cho kẻ đi bộ trên vỉa hè ngó lên hay dành cho cô nhân viên mơ mộng nhìn xuống từ cửa kính tòa nhà văn phòng, chứ nào có ai vừa chạy xe vừa ngước lên mà ngắm, lỡ xe đụng thì sao.
Ngày tết, đường sá như rộng ra, người đi trên phố có cơ hội nhìn rõ hơn bông lim xẹt trên đầu, dưới bánh xe. Đường sá không đông, ai đó thích ngó nghiêng cảnh sắc thì cứ bình tĩnh mà ngắm trời ngắm mây, chẳng lo tiếng kèn bin bin phía sau hối thúc.
Và kìa, những vỉa hè, lòng đường đang rải đều một thảm vàng li ti. Hoa lim xẹt dâng cho người qua lại một màu tết vừa quen vừa lạ, man mác và lặng lẽ; để khi qua “mùng”, phố xá lại ồn lên những tiếng ầm ì, tiếng còi xe “bất hủ” đặc trưng của Sài Gòn; bông lim xẹt theo chổi quét đường, tụ nhau trong thùng rác, hoàn thành một đời hoa ý nghĩa.
Màu tết cũng là màu thời gian, khi ta có điểm mốc để ngẫm ngợi về cuộc đời. Đã làm được gì, điều gì còn nợ và còn bao nhiêu năm để phấn đấu cho mục đích này, kế hoạch nọ? Trên tất cả, ta nghiệm lại xem mình đã hết lòng, đã trách nhiệm và yêu thương người thân đủ chưa hay còn phải cố gắng nhiều hơn, vì đường đời đã ngắn, lại ngắn thêm một khúc.Màu tết còn là màu thương nhớ, khi ta chùng lại mà nhớ về gia đình ngày xưa, về cha mẹ, anh chị mình, những khoảnh khắc đủ đầy bên nhau. Ngày thường, ai cũng tất bật làm ăn, đến cuộc gọi điện thoại cũng vội. Ngày tết, có khi là ngày dông dài “buôn” chuyện xuyên đại dương, xuyên các miền tổ quốc.
Màu tết còn là màu hy vọng. Cuộc sống bộn bề, nhưng rồi cũng sẽ qua. Biến cố cuộc đời dạy ta không oán thán hoàn cảnh, mà chọn cách đổi thời gian ra những cơ hội trưởng thành, để cứng cáp mà đối diện và xoay xở, vượt khó.
Màu tết – những gam màu người xưa đã tài tình chọn từ ngàn năm, là những màu mang năng lượng tích cực.
Theo Hồng Phương