logo

Thủ tướng lên tiếng về thông tin Bộ Giao thông “quá ưu ái” taxi công nghệ

Ngày đăng: 19/11/2019 11:41

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng Bộ GTVT “quá ưu ái” các hãng taxi công nghệ nước ngoài và gây khó khăn cho doanh nghiệp nội. Về việc này, Thủ tướng khẳng định không có sự cản trở và đơn vị kinh doanh vận tải được tự do lựa chọn.

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014 đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hoàn chỉnh, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành.

Đại biểu chất vấn nhiều vấn đề

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (ĐBQH) có phiếu chất vấn với nội dung, kể từ khi cho phép thực hiện thí điểm đến nay, các hãng taxi công nghệ nước ngoài cơ bản đã chiếm 60-70% thị phần vận tải taxi ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.

Thủ tướng lên tiếng về thông tin Bộ Giao thông “quá ưu ái” taxi công nghệ - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)

Theo vị đại biểu này, Bộ GTVT “quá ưu ái” cho các hãng taxi công nghệ khi cho phép thực hiện thí điểm trên diện rộng và ở nhiều địa phương, khiến các doanh nghiệp trong nước không có đủ thời gian để thích nghi, học hỏi, chuyển giao công nghệ.

Việc Chính phủ trong 4 năm qua chưa sửa đổi, bổ sung Nghị định 86 về quản lý vận tải, vô tình tạo nhiều ưu ái, giúp cho taxi công nghệ nước ngoài chiếm lĩnh thị phần. Trong khi đó, việc taxi công nghệ mặc dù hoạt động như doanh nghiệp vận tải nhưng không bị trói buộc bởi các qui định của pháp luật, dẫn đến có lợi thế cạnh tranh.

“Quan điểm của Chính phủ về định hướng quản lý đối với taxi công nghệ? Chính phủ có xác định taxi công nghệ là hoạt động vận tải không? Khi nào Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 86, hoặc ban hành văn bản mới, tạo khuôn khổ pháp lý, xác lập điều kiện bảo đảm, để các doanh nghiệp trong nước có thể yên tâm đầu tư công nghệ đủ lớn mạnh đủ khả năng canh tranh bình đẳng, lành mạnh với loại hình vận tải này?” –  đại biểu Lê Thanh Vân đặt câu hỏi.

Thí điểm taxi công nghệ

Liên quan đến chất vấn nêu trên của đại biểu Lê Thanh Vân, Thủ tướng Chính phủ đã trả lời bằng văn bản và cho biết đã chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện khuyến khích các mô hình đổi mới sáng tạo, nhất là các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, kinh tế chia sẻ, điển hình là hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ kết nối hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng (như Grab, Go Viet…) mà ĐBQH đề cập như trên.

Do đây là các mô hình kinh doanh mới, chưa được điều chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Theo đề nghị của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng tại 5 địa phương (Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng) nhằm tổng kết, đánh giá, xây dựng chính sách quản lý phù hợp.

Thủ tướng lên tiếng về thông tin Bộ Giao thông “quá ưu ái” taxi công nghệ - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Taxi công nghệ và taxi truyền thống vẫn là chủ đề nhiều người quan tâm trong hoạt động vận tải hành khách công cộng

Qua thời gian thí điểm tại 5 địa phương nêu trên, bước đầu đem lại kết quả tích cực, thuận tiện cho người dân, tạo công ăn việc làm cho nhiều lái xe, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh vận tải hành khách lành mạnh hơn. Việc thí điểm cũng cho thấy, chúng ta đã chủ động và hoàn toàn có thể phát triển bằng chính nội lực của các đơn vị vận tải cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối vận tải trong nước.

“Đại biểu có thể yên tâm và tin tưởng rằng, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực vận tải đang được thực hiện tốt, bảo đảm sự ổn định nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy nội lực và làm chủ công nghệ, trên cơ sở bình đẳng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh (không lệ thuộc vào các đối tác nước ngoài).” – Thủ tướng cho hay.

Doanh nghiệp tự do lựa chọn

Thủ tướng Chính phủ cho biết, việc quản lý xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi hoạt động kinh doanh vận tải hành khách sử dụng phần mềm để điều hành, kết nối trực tiếp lái xe và hành khách là nội dung có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo định hướng xây dựng Nghị định này với một số trọng tâm như: Loại bỏ các nội dung quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh không thực sự cần thiết, không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong quản lý vận tải để thay thế cho phương thức quản lý truyền thống.

Theo đó, bỏ quy định bắt buộc phải gắn hộp đèn cố định trên nóc xe taxi (doanh nghiệp tự quyết định việc gắn hộp đèn trên nóc xe), thay vào đó dùng phần mềm cùng với phù hiệu, biển hiệu xe và tem kiểm định khác biệt để quản lý; Xây dựng hạ tầng công nghệ nhằm kết nối, chia sẻ, liên thông toàn bộ dữ liệu giám sát hành trình, hình ảnh, ghi, lưu trữ lâu dài từ camera trên xe ô tô…

“Dự thảo Nghị định không có nội dung cản trở đơn vị kinh doanh vận tải lựa chọn loại hình vận tải; vì vậy, đơn vị kinh doanh vận tải hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp với điều kiện, thế mạnh của mình theo pháp luật” – Thủ tướng Chính phủ cho biết.

Thủ tướng lên tiếng về thông tin Bộ Giao thông “quá ưu ái” taxi công nghệ - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Thủ tướng trả lời chất vấn tại Quốc hội mới đây

Về chất vấn “Chính phủ có xác định taxi công nghệ là hoạt động vận tải không?”, Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, loại hình xe taxi là một trong năm loại hình kinh doanh vận tải hành khách. Taxi truyền thống hay taxi công nghệ đều là hoạt động kinh doanh vận tải.

Theo Thủ tướng, vấn đề đặt ra là các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối, cung cấp dịch vụ nền tảng (tương tự như Grab, Go Viet…) có là hoạt động kinh doanh vận tải hay không; dự thảo Nghị định lần này đã cụ thể hóa khái niệm về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách theo lịch trình và hành trình do hành khách yêu cầu;

Có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử. Đồng thời dự thảo Nghị định cũng thể hiện rõ trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và trách nhiệm của Đơn vị cung cấp nền tảng trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Thủ tướng khẳng định, các nội dung dự thảo Nghị định nêu trên là khung pháp lý chung để các doanh nghiệp tự do lựa chọn hoạt động của mình theo pháp luật.

Theo Châu Như Quỳnh

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/thu-tuong-len-tieng-ve-thong-tin-bo-giao-thong-qua-uu-ai-taxi-cong-nghe-20191117150147189.htm?fbclid=IwAR3stS47_20KjG7M2Mz_W-d0GhKljGXHFwI27AIZ3EMO0a_nxSx0hl_DF8I

Theo Dân Trí

Tags: , ,