logo

Từ vụ ly hôn cafe Trung Nguyên: Vì sao vợ chồng thường tình nghĩa khi nghèo khó, chia ly khi giàu có?

Ngày đăng: 25/02/2019 5:32

Vợ chồng thường kề vai sát cánh khi nghèo khó, giàu có lại chia lìa. Cuộc ly hôn “nghìn tỷ” của cặp vợ chồng ông chủ Cà phê Trung Nguyên rất đúng với ngữ cảnh này.

Kề vai khi nghèo khó

Thường thì sau khi kết hôn, cuộc sống vợ chồng sẽ trải qua ba giai đoạn: giai đoạn làm quen, giai đoạn “nỗ lực thích nghi” và giai đoạn ổn định, phát triển cuộc sống”. Tương ứng với ba giai đoạn đó, cuộc sống vợ chồng thường gặp phải cảnh sống chật vật, vừa đủ và giàu có. Nhưng thực tế cho thấy nhiều cặp vợ chồng khi giàu có, đầy đủ thường mâu thuẫn và chia lìa.

Cuộc ly hôn nghìn tỉ của vợ chồng ông chủ Trung Nguyên những ngày này gây xôn xao mạng xã hội. Những ai theo dõi phiên tòa ly hôn của họ không khỏi thấy xót xa, tiếc nuối. Mối tình “thanh mai trúc mã” từ nghèo khó tới khi trở thành ông bà chủ của thương hiệu cà phê nổi tiếng, có với nhau 4 đứa con… của hai vợ chồng họ từng là sự ngưỡng mộ của nhiều người vì mối tình đẹp.

Thế nhưng, sau 20 năm bên nhau, vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ đã đưa nhau ra tòa. Và những lùm xùm xung quanh chuyện ly hôn của họ thêm một lần nữa nghi ngại rằng tình yêu chỉ còn khi con người ta nghèo khó. Phải chăng càng giàu có, tình yêu càng phai nhạt dần?

Vợ chồng nhà cafe Trung Nguyên đã từng có những quãng thời gian rất hạnh phúc. ảnh Internet

Vợ chồng nhà cafe Trung Nguyên đã từng có những quãng thời gian rất hạnh phúc. ảnh Internet

Tôi nhớ đến một câu chuyện của một cặp vợ chồng người bạn. Hai vợ chồng họ mười mấy năm hôn nhân, có biết bao nhiêu kỷ niệm ngập đầy yêu thương nhưng giờ những kỷ niệm ấy mỗi khi lần giở lại, nước mắt chị đều trào ra.

Quen nhau từ thời sinh viên rồi cưới nhau. Vợ chồng anh chị đã có quãng thời gian rất mặn nồng. Chị kể, ngày mới cưới xong vợ chồng dọn về ở chung căn phòng trọ nhỏ của anh, chỉ hơn hai chục mét vuông, nóng nực và chật chội bởi những thứ đồ đạc lỉnh kỉnh. Vào ngày hè, nhiều đêm trời nóng quá điện lại bị cắt, anh bắt chị nằm ngủ trước rồi tay cầm chiếc quạt giấy quạt cho chị cả buổi. Hay những tháng ngày vợ chồng chật vật xoay sở khi thiếu thốn, anh vẫn rất quan tâm đến vợ con.

Nhớ ngày đầu anh nhận tháng lương đầu, khi về nhà anh tay xách lỉnh kỉnh những bọc đồ to nhỏ. Ngoài những món quà mua cho con, anh không quên mua tặng chị rất nhiều thứ. Trong đó có một chiếc váy mà chị thích từ hôm vợ chồng đi siêu thị nhưng vì không đủ tiền mà chị không dám mua. Chị đã khóc, không phải vì giá trị của món quà mà bởi sự quan tâm của anh.

Ai cũng ghen tỵ với hạnh phúc của anh chị. Thế nhưng mấy năm gần đây kinh tế gia đình thuộc diện giàu có ở làng khi anh buôn bán bất động sản. Anh đưa cho chị nhiều tiền hơn, chị không còn phải nghĩ ngợi gì về tiền học cho con, tiền biếu bố mẹ, tiền khi cả nhà có người đau ốm… Nhưng đổi lại, anh không còn quan tâm đến chị. Điều cay đắng hơn cả là anh còn có mối quan hệ ngoài luồng. Vợ chồng thường xuyên cãi vã, thậm chí không ít lần anh còn đánh chị. Và cái kết của anh chị cũng đứng hai bên chiến tuyến với nhau ở tòa.

Chia ly khi giàu có?

Chia sẻ về việc vì sao có nhiều cặp vợ chồng rất tình nghĩa khi khốn khó nhưng khi giàu có lại đổ vỡ, chuyên viên tham vấn tâm lý, TS Xã hội học Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia) cho rằng, người ta yêu nhau vì tình và bỏ nhau vì tiền rất nhiều. Mặt trái của sự nghèo khổ làm cho con người ta có nhiều thiệt thòi, trắc trở trong hôn nhân. Nghèo khổ cũng là một trong những nguyên nhân ly hôn. Nhưng mặt tích cực của nghèo làm con người ta dễ đồng lòng với nhau, hợp tác với nhau, hạnh phúc hơn vì khi ấy mục tiêu của họ chỉ chung là lo kinh tế cho gia đình.

Mối quan tâm của cả hai vợ chồng chỉ xoay quanh câu chuyện làm sao có thu nhập ổn định lo cho cuộc sống, lo cho các con. Cũng chính vì vậy mà họ dễ chung vai, chung sức, không có nhiều sự bận tâm khác. Cả hai dễ thông cảm, thường không phàn nàn nếu vợ hay chồng đi làm nhiều…

Còn khi người ta giàu có, hôn nhân dễ đổ vỡ hơn nguyên nhân có rất nhiều. Giai đoạn khi giàu có, con cái thường đã khôn lớn, không cần phải chú ý nhiều nữa nên vợ hoặc chồng sẽ có nhiều thời gian dành cho bản thân và công việc của mình. Lúc này mối bận tâm của cả hai vợ chồng ở rất nhiều phương diện. Người chồng mối quan tâm có thể là thăng tiến, địa vị trong xã hội, danh tiếng… Người phụ nữ lại quan tâm đến sắc đẹp, giải trí, cơ hội thăng tiến… Có thể người này có tham vọng về quyền lực, người này lại có nhu cầu thỏa mãn nhu cầu tâm linh bên trong.

Đặc biệt, khi họ giàu có hôn nhân thường đã kéo dài thì tình cảm vợ chồng không còn mặn nồng như thuở ban đầu nữa mà chuyển sang giai đoạn nghĩa nhiều hơn, thậm chí nhiều trường hợp nhạt phai, nhàm chán… Cả vợ và chồng có cơ hội ra ngoài xã hội nhiều hơn, có nhiều mối quan hệ gặp người này người kia có sức hấp dẫn hơn vợ/ chồng mình là điều khó tránh khỏi. Hay xung đột về quan điểm sống, quan điểm kiếm tiền, tiêu tiền với vợ/ chồng… có khác nhau. Nếu người bạn đời không chia sẻ được, cảm thông thì thất vọng về nhau.

“Ai rồi cũng có những mối quan tâm riêng, tham vọng. Vợ chồng không chỉ là danh phận mà còn là trách nhiệm, tình nghĩa. Dù giàu hay nghèo cũng nên trân trọng và yêu quý nhau vì vợ chồng cái tình mới là thứ quan trọng nhất. Quan trọng hơn cả ở vợ chồng là hiểu và sẻ chia. Có tiền bạc thì tốt nhưng đừng để tiền bạc, công việc cuốn mình vào những cám dỗ tầm thường mà quên mất người tri kỷ” – TS Thúy cho hay.

Theo Phương Thuận

Theo Gia Đình & Xã Hội

Tags: , ,