Nếu cộng đồng mạng không tham khảo nhiều nguồn thông tin chính thức từ các góc tiếp cận khác nhau, sẽ rất dễ bị lôi kéo, kích động.
Lợi dụng sự dễ dãi cả tin của một bộ phận người dân, những đối tượng hoặc nhóm đối tượng có ý đồ xấu đã mạo danh các cơ quan, tổ chức, cá nhân lập ra các tài khoản trên mạng xã hội nhằm đánh lạc hướng dư luận theo ý đồ của chúng. Đây là một thủ đoạn tuy không mới trên không gian mạng, nhưng nếu không đủ bình tĩnh, cư dân mạng dễ bị đánh tráo, gửi gắm niềm tin nhầm địa chỉ.
Những thông tin trên mạng xã hội rất khó kiểm chứng nếu các cơ quan chức năng không nhanh chóng vào cuộc.
Không thể phủ nhận vai trò to lớn của mạng xã hội đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống văn hóa tinh thần của công chúng. Trước những vấn đề lớn của đất nước, những thông tin thường ngày của cuộc sống, mỗi cá nhân có thể trao đổi qua lại, bày tỏ chính kiến; thể hiện thái độ và cập nhật thông tin một cách thuận lợi nhất.
Tuy nhiên, trong “biển thông tin” mênh mông ngày nay, nếu mỗi người tham gia cộng đồng mạng không có sự lựa chọn, sàng lọc kỹ lưỡng sẽ rất dễ bị “lừa đảo”, bị “chiếm đoạt niềm tin” một cách công khai bởi tin giả, tin xuyên tạc, tin kích động… hòng “lái” dư luận theo hướng có lợi cho các đối tượng hoặc nhóm đối tượng có ý đồ xấu.
Chẳng hạn, vào mỗi thời điểm quan trọng của đất nước, các nhóm đối tượng cơ hội chính trị trong và ngoài nước thường lập ra nhiều tài khoản, fanpage để tung tin bịa đặt, nói xấu người này người khác, nhất là các vị lãnh đạo cấp cao, khiến dư luận ngờ vực, đồn thổi, giảm sút niềm tin. Thời gian gần đây, chúng lợi dụng triệt để kết quả xử lý cán bộ, đảng viên trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực để “thổi bùng” bức xúc xã hội, khen chê quá đà, thậm chí bình phẩm ác ý, khoét sâu những sai phạm, khuyết điểm … hòng làm rối loạn lòng người.
Có thể liệt kê hàng chục, thậm chí hàng trăm tài khoản có nội dung cực đoan, thể hiện thái độ: “Đúng cũng chê, sai cũng chê, không làm cũng chửi, làm cũng ném đá. Làm đúng cũng soi mói; Làm sai thì xuyên tạc, bôi nhọ”…. Chúng áp dụng triệt để lý thuyết “Nói một lần chưa tin, thì nói ba lần. Nói ba lần chưa tin, thì nói 10 lần hy vọng mọi người sẽ tin”.
Khi cộng đồng mạng từng bước nhận ra thủ đoạn của các nhóm đối tượng này, thì chúng lại chuyển sang một hình thức khác nhưng không thay đổi ý đồ. Đó là mạo danh các cơ quan, đơn vị của Nhà nước hoặc các tổ chức xã hội lập ra những tài khoản, fanpage mang tên tổ chức A, cá nhân B hòng “tạo niềm tin” cho công chúng.
Chẳng hạn, mới đây trên facebook xuất hiện tài khoản giả mạo mang tên “Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam”. Tài khoản này copy đầy đủ hình ảnh các lãnh tụ, với nhiều nội dung được chia thành các chuyên mục. Và chỉ trong vòng vài chục giờ đồng hồ, tài khoản mạo danh này đã đăng hàng loạt trạng thái về những vụ việc gần đây được công chúng quan tâm. Ví dụ: “Cảnh giác với chiêu trò kêu gọi ký tên vì công lý cho Hà Văn Nam; Cảnh giác với chiêu bài bảo vệ nước mắm truyền thống; Và tiếp tục đưa ra những lời lẽ bình phẩm về vấn đề khai trừ đảng một phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế – Xã hội thành phố Đà Nẵng”…vv.
Mạo danh “Ban Tuyên giáo Trung ương” để lập tài khoản trên mạng xã hội những tưởng sẽ khiến nhiều người trong cộng đồng mạng tin rằng: đây là trang mạng chính thức được lập ra để lắng nghe dư luận; để mọi người có cơ hội bày tỏ thái độ mà chúng tự thông báo rằng “sẽ không xóa bình luận nào”.
Nhưng, những người sử dụng mạng một cách bình tĩnh sẽ nhận ra ngay: thực chất tài khoản mạo danh “Ban Tuyên giáo Trung ương” là nhằm đánh lạc hướng dư luận, gây nhiễu loạn thông tin, khiến cư dân mạng không phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Nếu cộng đồng mạng không tham khảo nhiều nguồn thông tin chính thức từ các góc tiếp cận khác nhau, sẽ rất dễ bị lôi kéo, kích động; rất dễ có những bình luận bằng thái độ cực đoan, và cuối cùng sẽ “mắc bẫy” các đối tượng mạo danh, cơ hội.
Sử dụng mạng xã hội một cách tỉnh táo, không vội vàng, cả tin và sớm phân biệt những trang mạo danh là việc làm mà mỗi cư dân mạng cần nắm rõ để góp phần cho không gian mạng hoạt động lành mạnh trong điều kiện “biển thông tin” ngày càng mênh mông như hiện nay.
Theo Ngọc Năm