Tham vấn Tiến sĩ – luật sư Đặng Cao Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội), và luật sư Nguyễn Văn Tuấn (thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), YouTuber có nguy cơ bị phạt nặng nếu bị truy cứu trách nhiệm giả danh nhà báo, đăng tin sai sự thật.
Tình trạng YouTuber làm phiền, đăng tin sai sự thật về nghệ sĩ không mới. Song, từ sau đám tang NSƯT Vũ Linh và NSND Diệp Lang, tình trạng trên càng nghiêm trọng.
Trong cuộc phỏng vấn của Tiền Phong, Vỹ Khang – con trai nuôi nghệ sĩ Hồng Nga – nói bà tuy mắc bệnh đãng trí, nhưng khi nghe nói bị ghép ảnh cùng vòng hoa, đồn qua đời, nữ nghệ sĩ bức xúc và cho rằng đây là sự xúc phạm nặng nề.
Trước đó, NSƯT Kim Tử Long, nghệ sĩ Cát Phượng đều lên tiếng đính chính thông tin đã qua đời, yêu cầu YouTuber ngừng đăng tin tức “trù ẻo”.
Trong đám tang NSƯT Vũ Linh, Hồng Phượng – cháu gái nam nghệ sĩ – cho biết YouTuber nhiều năm qua đăng tin sai sự thật về nghệ sĩ Vũ Linh. Cô yêu cầu chấm dứt tình trạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh nghệ sĩ và nhiều người nổi tiếng khác.
Tham vấn hai luật sư nổi tiếng, họ nhận định tình trạng YouTuber giả danh nhà báo, bằng mọi giá ghi hình nghệ sĩ, sau đó đăng tin không đúng sự thật là vi phạm pháp luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tình trạng đăng tin sai sự thật, nhất là việc “chôn sống” nghệ sĩ trên YouTube khiến nhiều người bức xúc.
“Pháp luật Việt Nam cấm đưa tin xúc phạm danh dự”
Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Cao Cường, pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm thái độ với vấn đề xã hội. Pháp luật Việt Nam cũng cho phép mọi công dân sử dụng Internet để phục vụ công việc, đời sống, giải trí.
Tuy nhiên việc này phải tuân thủ quy định của luật an ninh mạng, hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Trong đó, hành vi đưa tin sai sự thật, bịa đặt, vu khống nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác bị cấm, quy định cụ thể tại Điều 8 Luật An ninh mạng.
“Người thực hiện hành vi bị cấm trên không gian mạng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, hậu quả xảy ra. Trong trường hợp hành vi được xác định là chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội thì người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điều 101 nghị định số 15/2020/NĐ-Cp”, luật sư Đặng Cao Cường chia sẻ với Tiền Phong.
Kim Tử Long, Cát Phượng và nhiều nghệ sĩ khác là nạn nhân của cơn lốc tin giả “nghệ sĩ qua đời”.
Ngoài ra, trường hợp hành vi rõ ràng là sai sự thật nhưng vẫn đưa tin nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về tội vu khống theo điều 156 Bộ luật hình sự.
Điều 156 khoản 1, điểm a về Tội vu khống quy định rõ người bịa đặt, lan truyền điều biết rõ sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
“Những năm gần đây YouTuber, TikToker không ít lần bị phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng tình trạng vi phạm vẫn phổ biến. Có nhiều người coi thường pháp luật, cho rằng mình đưa thông tin giả mạo trên mạng xã hội sẽ không bị phát hiện, không bị xử lý”, luật sư Đặng Cao Cường thông tin.
“YouTuber bồi thường nếu bị kiện”
Với luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), tình trạng đăng tin những người nổi tiếng, nghệ sĩ qua đời ngày càng nhiều. Đối tượng cắt ghép hình ảnh để đăng tin nghệ sĩ qua đời ảnh hưởng trực tiếp đến người khác.
Bên cạnh việc bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10-20 triệu đồng, người đăng tải thông tin không đúng sự thật còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho cá nhân người bị ảnh hưởng bởi thông tin không đúng sự thật theo quy định tại Điều 584, 592 Bộ luật Dân sự 2015.
Ở điểm này, luật sư Nguyễn Văn Tuấn có quan điểm với luật sư Đặng Cao Cường là người vi phạm có thể bị phạt đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 2 tháng đến một năm.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Cao Cường (trái) và luật sư Nguyễn Văn Tuấn.
“Cơ quan chức năng đủ khả năng tìm ra những người đăng tải thông tin sai sự thật. Nhưng do người bị hại là nghệ sĩ thường có thái độ “dĩ hòa vi quý”, không quyết liệt trong việc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý các đối tượng. Để giải quyết, những người bị đăng tin đồn thất thiệt cần quyết liệt trong việc yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ hành vi vi phạm và truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với những đối tượng có hành vi đăng tải thông tin không đúng sự thật”, luật sư Nguyễn Văn Tuấn đưa quan điểm.
Với Tiến sĩ, Luật sư Đặng Cao Cường, hiện việc quản lý không gian mạng chưa triệt để dẫn đến việc nhiều đối tượng đưa thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác trong thời gian dài. Điều đó dần hình thành thói quen “muốn nói gì thì nói” của một bộ phận người dùng mạng.
“Để giảm thiểu những vụ việc trên cần phải thực hiện đồng bộ đầy đủ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về chính sách pháp luật, giải pháp về khoa học kỹ thuật, con người, cơ chế chính sách để tổ chức thực hiện pháp luật”, luật sư Đặng Cao Cường nói.
Ngoài ra, luật sư cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền để phổ biến giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, đặc biệt là bộ phận giới trẻ hiện nay.
“Cần phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, không chỉ xử lý vi phạm hành chính mà còn xử lý hình sự để răn đe, cảnh tỉnh với những người vi phạm”, luật sư Đặng Cao Cường nói thêm.
Trọng Huy