logo

Doanh nhân tuổi Hợi: Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ một năm lao đao vì kiện tụng

Ngày đăng: 04/02/2019 15:29

Sinh năm Tân Hợi 1971, ông chủ tập đoàn Trung Nguyên –  Đặng Lê Nguyên Vũ – người được mệnh danh là “Vua cà phê Việt” chuẩn bị bước vào năm tuổi của mình, năm Kỷ Hợi 2019. Chưa biết điều gì sẽ chờ ông ở năm mới này, chỉ biết ông vua cà phê đã vừa phải trải qua một năm đầy những sóng gió thị phi và lao đao vì kiện tụng…

Người truyền cảm hứng cho những ai khởi nghiệp từ tay trắng

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ngày 10/2/1971 tại huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa trong một gia đình nông dân nghèo.

Năm 1979, gia đình ông chuyển đến sinh sống ở huyện miền núi M’drak, tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam.

Năm 1992, ông nhập học khoa Y, đại học Tây Nguyên và bắt đầu các hoạt động tìm tòi và nghiên cứu về lĩnh vực cà phê. Kết quả, mặc dù học Y nhưng cuối cùng ông Vũ rẽ hướng sang kinh doanh cà phê và từ đó cho đến nay, các hoạt động của ông đều gắn liền và xoay quanh niềm đam mê cà phê.

Đầu tư - Doanh nhân tuổi Hợi: Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ một năm lao đao vì kiện tụng
“Vua cà phê Việt” – ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Bắt đầu từ hai bàn tay trắng, trải qua những ngày gian khổ vay nợ để mua nguyên liệu, đạp xe đi giao cà phê…, năm 1996, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cùng vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (sinh năm 1972) thành lập hãng Cà phê Trung Nguyên tại Buôn Ma Thuột.

Năm 1998, công ty Trung Nguyên lần đầu tiên mở quán cà phê ở TP. Hồ Chí Minh, mở rộng kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương hiệu, từ đó các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên xuất hiện khắp mọi nơi trên toàn quốc.

Năm 2003, cùng với việc phát triển thương hiệu cà phê hòa tan G7, Trung Nguyên dần dần chiếm lĩnh thị trường cà phê Việt Nam, vượt qua cả Vinacafe và Nestlé (vốn đã thâm nhập thị trường Việt Nam 100 năm tính đến 2012).

Năm 2005, Trung Nguyên khánh thành nhà máy chế biến cà phê lớn nhất Việt Nam tại Bình Dương, ông Vũ để vợ là bà Diệp Thảo, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên đứng tên. (Về sau, do tranh chấp vợ chồng, ngày 21/4/2016 ông đã sang lại tên mình).

Cà phê Trung Nguyên đã được bộ Ngoại giao Việt Nam chọn làm Đại sứ ngoại giao văn hóa và làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia.

Ngày 27/4/2011, cái tên “Cà phê Trung Nguyên” xuất hiện trên tờ báo danh tiếng Financial Times như một trường hợp nghiên cứu điển hình về mô hình doanh nghiệp thành công và được bình chọn là một trong những doanh nghiệp thành công nhất. Bài báo có đoạn viết: “Ông Vũ khơi dậy khát vọng của người dân Việt Nam. Một tầng lớp trung lưu đang nổi lên đã chấp nhận thương hiệu này…”

Tháng 8/2012, một tờ báo Mỹ uy tín khác, Forbes, lại khắc họa chân dung về ông như một “Vua cà phê Việt Nam”, trong đó ca ngợi ông là nhân vật “zero to hero” (từ vô danh thành anh hùng). Thời điểm này, Trung Nguyên đã sở hữu 5 nhà máy và một chuỗi 40 cửa hàng cà phê.

Sau đó, báo chí và công chúng trong và ngoài nước bắt đầu gọi ông là Vua cà phê một cách chính thức.

Hiện nay, tập đoàn Trung Nguyên là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: Sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê; nhượng quyền thương hiệu; dịch vụ phân phối, bán lẻ hiện đại và du lịch.

Cà phê Trung Nguyên là một trong những thương hiệu nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam và đang có mặt tại hơn 60 quốc gia trên thế giới.

Nếu xếp hạng thì trong số hàng nghìn cái tên kinh doanh cà phê ở thị trường nội địa Việt Nam, chỉ có một vài tên tuổi lớn thống trị thị trường bán lẻ cà phê, trong đó Trung Nguyên (gần đây được bày bán với tên Legend) đang dẫn đầu, sau đó là Vinacafe (thuộc Masan Group), và Nescafé (của tập đoàn Nestlé)…

Nói về tham vọng phát triển cà phê Việt Nam, vị doanh nhân tuổi Hợi này từng chia sẻ: “Việt Nam là nước số một về xuất khẩu cà phê robusta. Hãy nhớ điều đó. Chúng ta là nước số 1 về xuất khẩu cà phê. Muốn đưa cà phê đi xa thì phải có nền tảng triết lý của nó. Nhìn trà đạo của Nhật đi, không có lý gì mà Việt Nam không tạo ra đạo cà phê”.

Cho rằng “Cà phê nó kinh khủng lắm… Cà phê có hệ sinh thái vật chất, hệ sinh thái cà phê tinh thần và hệ sinh thái cà phê xã hội. Trung Nguyên phải xây dựng trên nền tảng đó”, ông chủ Trung Nguyên nuôi tham vọng đưa ngành cà phê Việt phát triển trên nền tảng triết lý để trở thành đạo cà phê, giống như trà đạo của Nhật, chứ không phải chỉ kinh doanh thuần túy kiểu con buôn.

Thậm chí, ông Vũ còn có tham vọng đưa Việt Nam thành thánh địa cà phê toàn cầu, và cuối cùng là đưa công ty thành một tôn giáo trong đó ông Vũ được thông linh và được trao sứ mệnh “cứu nhân loại”.

Vì triết lý kinh doanh này, cộng với việc thường xuyên lên núi học đạo, chỉ điều hành Trung Nguyên từ xa trong 5 năm trở lại đây, ông chủ Trung Nguyên bị nhiều người, trong đó có vợ mình, cho rằng hoang tưởng, thậm chí bị điên.

Cuộc hôn nhân đẹp đang kết thúc “không có gì hay ho”

Cuộc đời vua cà phê Trung Nguyên luôn gắn với một bóng hồng, đó là vợ ông – bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Bà Thảo chính là người đã cùng ông tay trắng gây dựng sự nghiệp, sinh cho ông 4 người con và hiện nay đang là người đối đầu với ông trong một vụ án ly hôn nghìn tỷ đã kéo dài đến năm thứ 4.

Theo chia sẻ của bà Thảo thì cuộc hôn nhân của hai người có một khởi đầu rất đẹp khi bà còn là một nữ tổng đài viên của Bưu điện Gia Lai và ông Vũ là một sinh viên nghèo gọi điện đến xin tư vấn. Cảm mến chàng thanh niên Đặng Lê Nguyên Vũ nghèo nhưng có ý chí và hiểu biết nên cô hoa khôi phố núi Lê Hoàng Diệp Thảo – con gái một nhà kinh doanh vàng bạc giàu có – đã yêu thương và kết hôn cùng ông Vũ.

Bà Thảo đã cùng ông Vũ điều hành tập đoàn Trung Nguyên suốt hơn 20 năm qua, trong đó ông Vũ là người ra ngoài làm công việc thương mại, quảng bá còn bà Thảo đảm nhiệm vai trò “nội tướng” để điều hành hoạt động của tập đoàn.

Đầu tư - Doanh nhân tuổi Hợi: Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ một năm lao đao vì kiện tụng (Hình 3).

Hình ảnh mới nhất của vợ chồng vua cà phê Việt tại phiên tòa hôm 29/1

Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây giữa hai người bắt đầu nảy sinh quan điểm kinh doanh khác biệt, kéo theo đó là rạn nứt tình cảm, làm chấm dứt những ngày tháng sống hạnh phúc bên nhau.

Cụ thể là, trong quá trình thực hiện giấc mơ xây dựng “đạo cà phê”, đưa Việt Nam thành thánh địa cà phê toàn cầu, đưa công ty thành một tôn giáo trong đó ông Vũ được trao sứ mệnh “cứu nhân loại” như đã nói ở trên, giữa ông Vũ và vợ bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn.

Bà Thảo cho rằng ông bị tâm linh làm lu mờ ý chí, sau đó bị một thế lực muốn thao túng Trung Nguyên  lợi dụng để kiếm chác nên phản đối kế hoạch này, trong khi đó ông Vũ cho rằng bà Thảo chỉ muốn kinh doanh thuần túy thì không thể khiến Trung Nguyên đi xa hơn

Từ mâu thuẫn này, theo bà Thảo, ông Vũ đã dần đưa bà ra khỏi công ty bằng cách bãi nhiệm các chức vụ của bà và hai người đã tranh chấp quyền điều khiển công ty từ năm 2015 tới nay. Cuối cùng, bà Thảo chọn cách là đệ đơn ly hôn để bảo toàn 50% tài sản, đồng thời khởi nghiệp với thương hiệu mới là King Coffee.

Tuy nhiên, suốt từ năm 2015 đến nay, mặc dù cả hai đều đồng thuận ly hôn nhưng vẫn chưa được tòa án giải quyết vì vẫn còn tranh chấp về quyền nuôi con và phân chia tài sản. Bà Thảo đã nhiều lần kiện ông Vũ vì ngăn cản quyền điều hành công ty còn ông Vũ kiện bà Thảo chiếm dụng con dấu.

Gần đây nhất, ngày 29/1/2019, ông Vũ – bà Thảo đã lần đầu tiên đối diện nhau tại Tòa, sau nhiều lần hòa giải bất thành, tuy nhiên phiên tòa không diễn ra như kế hoạch do thiếu luật sư và đương sự. Sau phiên xử bất thành này, bà Thảo vẫn chia sẻ trên trang cá nhân bày tỏ sự tiếc nuối gia đình hạnh phúc và cho biết gia đình vẫn mong ông trở về.

Điều đáng nói, trong khi cuộc hôn nhân kéo dài 4 năm với những nhùng nhằng pháp lý, kiện tụng thì nhãn hiệu cà phê nổi tiếng này cũng bị sụt giảm thương hiệu đáng kể.

Theo thông cáo báo chí phát đi hôm 21/9/2018, tập đoàn Trung Nguyên cho biết, công ty đạt tổng lợi nhuận hơn 3.500 tỷ đồng trong 4 năm qua, đồng thời, phía công ty đã công bố tổng lợi nhuận lần lượt các năm từ 2012 – 2017, căn cứ vào báo cáo tài chính đã được công ty KPMG Việt Nam kiểm toán.

Theo đó, năm 2012, tổng lợi nhuận Trung Nguyên là 152 tỷ đồng. Tới năm 2013 là 287 tỷ đồng – tăng 88%, và lập đỉnh vào năm 2014 với mức lợi nhuận kỉ lục 1.295 tỷ đồng – tăng 350%.

Tuy nhiên, vào năm 2015, khi vợ chồng vua cà phê Việt bắt đầu mâu thuẫn tranh giành quyền lực thì con số lợi nhuận bắt đầu sụt giảm. Lợi nhuận trước thuế của năm 2015 chỉ còn gần 809 tỷ đồng và năm 2016 tiếp tục giảm còn 768 tỷ đồng, năm 2017 còn 682 tỷ đồng.

Đầu tư - Doanh nhân tuổi Hợi: Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ một năm lao đao vì kiện tụng (Hình 5).

Lợi nhuận của tập đoàn Trung Nguyên qua các năm

.

Tuy sụt giảm lợi nhuận nhưng hiện Trung Nguyên vẫn giữ được vị thế là doanh nghiệp cà phê dẫn đầu tại thị trường nội địa Việt Nam.

Nói về cuộc hôn nhân này, khi báo chí hỏi ông Vũ có thấy hối hận vì lấy bà Thảo không, ông trả lời ‘Việc nó phải thế rồi”. Còn nói về ly hôn, vua cà phê Việt cho hay, đây là “chuyện không hay ho gì”.

Ông chủ của những siêu xe

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ còn được biết đến là ông chủ của những chiếc siêu xe. Gần đây nhất, sau phiên xử ly hôn bất thành hôm 29/1, dư luận rộ lên tin đồn ông mới tậu hai trong sáu chiếc Mercedes-AMG G63 Edition 1 đầu tiên về Việt Nam.

Mercedes-AMG G63 Edition 1 2019 gây sự chú ý lớn khi về Việt Nam bởi mức giá bán ngang hàng với siêu xe, được dự đoán vào khoảng 8,5 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những mẫu SUV đắt nhất hiện tại.

Đầu tư - Doanh nhân tuổi Hợi: Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ một năm lao đao vì kiện tụng (Hình 6).

Một trong những chiếc siêu xe tiền tỷ mà ông chủ Trung Nguyên đang sở hữu – chiếc Porsche 911 GT2 RS màu bạc đầu tiên về Việt Nam với mức giá không dưới 20 tỷ đồng.

Trước đó, ông chủ cafe Trung Nguyên cũng đã “khai phát súng” đầu năm bằng việc tậu cho mình một trong hai chiếc Porsche 911 GT2 RS màu bạc đầu tiên về Việt Nam với mức giá không dưới 20 tỷ đồng.

Hôm 23/11/2018, vào ngày khai trương Bảo tàng cà phê thế giới tại Buôn Ma Thuột, tại đây đã trưng bày hàng chục mẫu xe sang, siêu sang thuộc thương hiệu Rolls-Royce, Bentley, Range Rover,… của đại gia Trung Nguyên.

Đầu tư - Doanh nhân tuổi Hợi: Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ một năm lao đao vì kiện tụng (Hình 7).

Dàn siêu xe của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại Bảo tàng cà phê thế giới (Buôn Mê Thuột) hôm 23/11/2018 – ảnh: Autopro

Điều đặc biệt, trong dàn xe của ông Vũ, một vài phiên bản đều “có đôi”, điển hình như cặp Rolls-Royce Phantom Drophead Coupe, Bentley Arnage và Land Rover Range Rover. Nổi bật nhất trong dàn xe bao gồm 2 chiếc Bentley Arnage thuộc hàng cực hiếm tại Việt Nam, hàng loạt mẫu SUV như Range Rover và Bentley Bentayga được độ ống thở cực “dị”.

Tất cả số xe của đại gia Đặng Lê Nguyên Vũ được khoác lên lớp decal với hai màu trắng/đen, đen/xám hoặc xám mờ. Hơn nữa, phần lớn trong bộ sưu tập xe của vị đại gia cà phê này đều mang những tông màu lạ lẫm như vậy như để tạo một dấu ấn riêng.

Mỗi lần khai trương cái gì hay bắt đầu một chiến dịch quảng bá nào đó, người ta thấy ông Vũ luôn xuất hiện cùng siêu xe. Doanh nhân Tân Hợi giải thích rằng: Mình đi dạy làm giàu mà không giàu thì ai tin? Hơn nữa, theo ông Vũ, cần sử dụng siêu xe như một điểm nhấn để thu hút sự chú ý của truyền thông nhằm đưa chiến dịch quảng bá đạt hiệu quả tốt hơn.

Theo Minh Minh

Theo Người Đưa Tin

Tags: , ,