Trong khi ông Lê Phước Vũ tuyên bố lên núi sống tĩnh tâm, việc điều hành tập đoàn do Ban lãnh đạo tự quyết thì Hoa Sen mới đây tiếp tục công bố việc chấm dứt hoạt động của 70 chi nhánh, chuyển đổi thành cửa hàng, thực hiện tầm nhìn ít nhất 1.000 cửa hàng 2-3 năm tới từ con số 500 cửa hàng như ông Vũ từng đề cập.
Cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen đang có sự trở lại sau kỳ nghỉ lễ 10/3 không mấy thuận lợi. Sau phiên giảm 5,26% trong phiên 16/4 đến phiên 17/4, mã này tiếp tục giảm sàn về mức giá 8.050 đồng/cổ phiếu.
Trong văn bản gửi UBCKNN mới đây, tập đoàn này cho biết, HĐQT đã ra nghị quyết chấm dứt hoạt động 70 chi nhánh trực thuộc.
Việc chấm dứt hoạt động các chi nhánh nói trên được Hoa Sen lý giải, thực chất là chấm dứt hình thức pháp lý của mô hình hệ thống phân phối cũ, nằm trong lộ trình chuyển đổi mô hình quản trị hệ thống phân phối theo mô hình chi nhánh tỉnh đã được ĐHĐCĐ thông qua và được HĐQT triển khai từ năm 2018.
Sau khi chấm dứt hoạt động, 70 chi nhánh này sẽ được chuyển đổi thành cửa hàng (dưới hình thức pháp lý là “địa điểm kinh doanh”) trực thuộc chi nhánh tỉnh nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động.
Ông Lê Phước Vũ
Trước đó, tại phiên họp ĐHĐCĐ diễn ra hồi tháng 1/2019, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Hoa Sen cũng từng cho biết, chủ trương hoạt động thời gian tới của tập đoàn này là sẽ gom tất cả các chi nhánh về còn một chi nhánh/tỉnh.
“Chúng ta phải có tầm nhìn ít nhất 1.000 cửa hàng 2-3 năm tới, tuy nhiên bây giờ chỉ mới đạt 500 cửa hàng… Năm 2018, tập đoàn đã không thể mở thêm 100 cửa hàng khiến ban lãnh đạo phải dừng ngay việc đầu tư để quản lý hàng tồn kho”, ông Vũ cho hay.
Ông Vũ cũng tiết lộ, việc gần đây không xuất hiện trước công chúng là do đang ở trên núi. Trong việc điều hành tập đoàn, ban lãnh đạo hiện tại tự quyết và không cần đến Chủ tịch, song ông Vũ khẳng định “dù sống trên núi song vẫn nắm tình hình tập đoàn”.
Trên thực tế, văn bản thông báo việc chấm dứt hoạt động 70 chi nhánh nói trên cũng không do ông Lê Phước Vũ ký mà do 1 Phó tổng giám đốc của Hoa Sen ký.
Trên thị trường chứng khoán phiên 17/4, dưới áp lực bán mạnh trong phiên chiều, các chỉ số đều đóng cửa với trạng thái giảm. VN-Index mất 5,07 điểm tương ứng 0,52% còn 972,1 điểm và HNX-Index mất 0,68 điểm tương ứng 0,64% còn 106,43 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng về các mã giảm với 344 mã giảm giá, 32 mã giảm sàn so với 278 mã tăng và 49 mã tăng trần trên toàn thị trường.
Thanh khoản thấp với chỉ có 186,72 triệu cổ phiếu giao dịch trên HSX tương ứng 4.253,77 tỷ đồng và 34,63 triệu cổ phiếu tương ứng 1.419,07 tỷ đồng trên HNX.
Phiên này, cặp cổ phiếu VIC và VHM tiếp tục có ảnh hưởng bất lợi đến VN-Index. VIC giảm giá đã lấy đi của VN-Index hơn 3 điểm còn VHM cũng khiến chỉ số giảm 1,22 điểm. BID, VNM, VRE, POW cũng là những mã có tác động tiêu cực đến diễn biến VN-Index trong phiên.
Báo cáo phân tích của BVSC nhận định, thị trường sẽ hồi phục tăng điểm trở lại trong phiên kế tiếp. Dù vậy, BVSC cũng lưu ý rằng, xu hướng biến động đi ngang hiện tại của thị trường sẽ bị phá vỡ nếu ngưỡng hỗ trợ quanh 964 điểm bị xuyên thủng hoàn toàn trong những phiên tới.
Kể cả trong kịch bản thị trường hồi phục, VN-Index dự kiến sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ các vùng cản 980-983 điểm hay tích cực hơn là vùng 990-1000 điểm. Diễn biến phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn.
Theo Mai Chi