Danh hài đặt nhiều câu hỏi đến hội đồng nghệ thuật Ngôi sao xanh 2019 nhưng không nhận được phản hồi thỏa đáng nên đòi rút đề cử.
Chiều 28/11, BTC giải Ngôi sao xanh 2019 có buổi công bố đề cử diễn ra tại TP. HCM. Sự kiện “nóng” vì những tranh luận khá căng thẳng giữa Việt Hương và hội đồng nghệ thuật giải thưởng.
Tranh luận chuyện “ưu ái phim đề tài học đường hơn xã hội đen”
Ở giải Ngôi sao xanh 2019, Việt Hương có 3 đề cử gồm Phim truyền hình xuất sắc nhất (cho phim Nhà ông Hoàng có vàng), Phim chiếu mạng hay nhất (cho phim Trật tự mới) và Nữ diễn viên phim chiếu mạng xuất sắc nhất (cho vai Ông Nội trong phim Trật tự mới). Vì vậy, Việt Hương rất quan tâm đến tiêu chí chấm hạng mục phim chiếu mạng của hội đồng như thế nào.
Việt Hương vai Ông Nội trong web-drama Trật tự mới
Trả lời nữ diễn viên, đạo diễn Lê Cung Bắc cho biết anh từng làm diễn viên trước khi làm đạo diễn. Vì vậy, anh hiểu rõ giá trị bộ phim là sự tổng hòa của nhiều yếu tố như dàn dựng, khung hình, diễn xuất, nội dung… Tùy vào hạng mục mà hội đồng sẽ chấm đúng yếu tố đó như chấm dàn dựng thì phải là cách đạo diễn thể hiện trong tác phẩm; chấm diễn xuất phải là tập trung vào diễn viên còn chấm quay phim phải xem xét khung hình, bố cục, ánh sáng… Do đó, Lê Cung Bắc chấm phim kỹ càng trên tinh thần đồng cảm với nghệ sĩ và công sức của toàn ekip.
Để tỏ rõ thắc mắc, Việt Hương đặt vấn đề với chính phim chiếu mạng Trật tự mới được 2 đề cử của mình. Cô hỏi quan điểm của hội đồng khi chấm phim về đề tài xã hội đen, giang hồ như thế nào? Ngay sau đó, diễn viên Võ Đăng Khoa – người đóng vai Mến phim Ghe bẹo ghẹo ai được đề cử hạng mục Diễn viên phim chiếu mạng xuất sắc nhất, cũng nói về chính trường hợp của mình là vào vai chuyển giới. Anh có thắc mắc tương tự Việt Hương với trường hợp vai đồng tính, chuyển giới. Việt Hương và Đăng Khoa muốn hỏi rõ tiêu chí chấm thi để mọi thứ minh bạch ngay từ đầu.
Đại diện hội đồng, đạo diễn Lê Hoàng phản hồi: “Quan điểm cá nhân, khi chấm phim, tôi không cần biết thể loại phim chiếu mạng, phim nhựa hay gì cả, tôi chỉ quan tâm nội dung phim hay hay dở chứ thể loại, phương tiện trình chiếu không quan trọng.
Khi chấm diễn viên, tôi chỉ chú trọng nhân vật. Bạn là nam đóng vai nữ, nữ đóng vai nam, người đóng vai con vật… tôi chỉ quan tâm giới tính của nhân vật bạn đóng.
Về phim xã hội đen, trên thế giới có vô số phim xã hội đen và nhiều diễn viên vĩ đại vào vai giang hồ giành nhiều giải lớn. Ở Mỹ, theo thống kê, phần lớn giải Oscar rơi vào vai gái điếm. Vai giang hồ thường có cuộc đời bi kịch rất dễ thấy. Đóng vai giáo sư, bác học mới khó chứ vai giang hồ rất dễ bộc lộ sự giằng xé, tính cách rõ rệt. Vì thế, vai giang hồ thường gây sự xúc động.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng nghệ sĩ cần xem xét yếu tố bộ phim có tốt cho xã hội hay không, tốt đến mức nào – điều này không nằm trong nhân vật hay thể loại phim. Tôi tin rằng những nghệ sĩ ngồi đây hôm nay là người tử tế, có sản phẩm văn minh dù cho có qua kiểm duyệt hay không; nhưng sẽ có đề tài tốt cho xã hội và có đề tài không tốt bằng. Tôi lấy ví dụ, trẻ con xem phim chiếu mạng về đề tài học đường vẫn hay hơn là xã hội đen. Ở tuổi chúng, chuyện trường lớp với gần gũi, dễ hiểu và tác động tích cực hơn. Với một học sinh lớp 8 – 9, thế giới giang hồ không quan trọng bằng thế giới trường học.
Vì vậy, nếu có hai phim về học đường và xã hội đen hay ngang nhau, tôi sẽ bỏ phiếu cho phim về học đường. Tôi xin nhắc lại rằng mình không kỳ thị dòng phim xã hội đen hay đánh giá thấp diễn viên đóng vai giang hồ; nhưng tôi phải nghĩ đến tác dụng xã hội của nó. Tôi không điên đến nỗi nghĩ rằng hễ giang hồ là xấu, vì tôi biết có những tấm gương người trong giang hồ làm chúng ta xúc động. Nhưng xét trong mặt bằng chung của xã hội, những gì tốt đẹp mà không có yếu tố xã hội đen vẫn tốt hơn.
Ngoài cuộc sống, chúng ta sẵn sàng dừng lại xem hai giang hồ đánh nhau nhưng luôn lướt qua nếu hai người đang trò chuyện tử tế. Dù vậy, đâu phải chúng ta sẽ hành xử như giang hồ? Vì vậy, ngoài kỹ thuật, kỹ xảo, diễn xuất, âm nhạc… tôi phải tính đến yếu tố hiệu quả xã hội – những thứ bình dị nhưng vẫn gây xúc động”.
Ngay lập tức, Việt Hương phản ứng căng thẳng: “Hóa ra, nếu lên bàn cân giữa phim trường lớp với phim giang hồ thì đề tài trường lớp nặng ký hơn. Như vậy, phim của tôi có nhất thiết phải có mặt trong đề cử nữa hay không? Trong một tháng đến ngày trao giải, tôi sẽ cực lực kêu gọi người hâm mộ bình chọn cho mình trong hoang mang nếu như phải đụng độ với một phim đề tài trường lớp sao? Nếu như vậy, hôm nay tôi thấy không vui nữa và xin rút phim của mình ra khỏi đề cử, có được không?”.
Đạo diễn Lê Hoàng đính chính rằng anh chỉ cân nhắc trong trường hợp hai đề tài phim gây xúc động ngang nhau hoặc hay như nhau. “Nếu phim đề tài giang hồ hay hơn, tôi sẽ bình chọn ngay mà không chần chừ một giây. Tôi không ưu tiên chút nào cho đề tài trường lớp. Mà bạn biết đấy, việc phim hay ngang nhau rất khó xảy ra. Tôi không ngu ngốc, ấu trĩ đến mức lo rằng đề tài giang hồ sẽ gây ảnh hưởng xấu đến xã hội hay trẻ em”, anh nói.
Đăng Khoa vào vai chị Mến, một nhân vật chuyển giới trong “Ghe bẹo ghẹo ai”
“Phim giang hồ cũng phải có tính tư tưởng”
Trong khi đó, nhà phê bình Đoàn Minh Tuấn cho rằng: “Năm ngoái, tôi xem hai phim xã hội đen là Tình đầu đại ca (Việt Nam sản xuất) và Anh hùng thiếu niên (Hong Kong sản xuất), đều nói về mối tình đầu giữa anh giang hồ và cô nữ sinh. Nhưng nói thật, nhân vật giang hồ trong phim Hong Kong có tính tư tưởng hơn chúng ta. Họ làm phim về xã hội đen mà khán giả phải thấy thông cảm, chia sẻ. Phim của chúng ta thường kể lể dài dòng, không có tính tư tưởng. Cá nhân tôi cũng thấy đồng cảm cho cặp đôi của phim Hong Kong, trong khi với cặp đôi phim Việt thì chẳng có lý do gì. Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh tính tư tưởng với đề tài này. Giang hồ phải tỏa ra vẻ đẹp nhân văn”.
Việt Hương lập luận rằng, nếu phim điện ảnh, truyền hình phải qua kiểm duyệt, tức là đã được “chốt” về mặt tư tưởng, thì phim chiếu mạng lại không. Do đó, tiêu chí chấm phim chiếu mạng cần phải minh thị và phân biệt với phim điện ảnh, truyền hình.
“Tôi phải hỏi thật rõ về tiêu chí của hội đồng để không chỉ giải thưởng này mà ở tất cả giải khác, chúng tôi sẽ phải cân nhắc, phải “gờm” rằng mỗi năm phải làm những gì, như đưa web-drama trường lớp đi lấy giải, không đưa web-drama giang hồ nữa. Chúng tôi tôn trọng giải thưởng nên mới hỏi kỹ về tiêu chí và tính toán lại cho hợp lý”, danh hài phân bua.
Lúc ra về, Việt Hương có tâm sự rằng cô chưa thỏa mãn với câu trả lời của hội đồng nhưng vì thời lượng chương trình có hạn nên phải dừng.
Việt Hương không thỏa mãn với phản hồi từ BTC
Sao trẻ bỏ về giữa chừng
Ngôi sao xanh là giải thưởng thường niên nhằm vinh danh những cá nhân, tổ chức có đóng góp cho lĩnh vực điện ảnh. Kể từ mùa thứ 5, BTC giải quyết định thêm nhóm hạng mục phim chiếu mạng (web-drama). Ở Ngôi sao xanh 2019, BTC đã tăng từ 17 lên 24 hạng mục dành cho các đạo diễn, diễn viên phụ.
Ở bảng phim điện ảnh, các ngọc nữ màn ảnh như Ninh Dương Lan Ngọc, Ngô Thanh Vân, Hoàng Yến Chibi… cạnh tranh nhau khá gay cấn.
Trong khi đó, những phim truyền hình được yêu thích nhất như Cô Thắm về làng 4, Nhà ông Hoàng có vàng, Hôn lễ mùa thu hay Ngũ hợi tấn hỷ sẽ cân sức ở bảng phim truyền hình.
Đáng lưu ý, phim Tiếng sét trong mưa gây tiếng vang trong làng phim truyền hình miền Nam nhưng xác nhận không tham gia Ngôi sao xanh 2019. Vì vậy, bộ phim chỉ nhận 2 đề cử diễn viên phụ cho Hứa Minh Đạt và Lê Bê La.
Hạng mục web drama năm nay có đến 13 bộ phim, 21 diễn viên tham gia đề cử, trong đó có những cái tên như Thập Tứ cô nương, Ghe bẹo ghẹo ai, Trật tự mới… đã tạo sức hút lớn trên Internet.
Giữa chương trình, NSND Kim Xuân công khai phê bình các diễn viên trẻ. Lễ công bố mời rất nhiều diễn viên có mặt trong danh sách đề cử, phần lớn là diễn viên trẻ, nhưng nhiều người đã bỏ về khi sự kiện bắt đầu không lâu khiến hàng ghế thứ hai và ba trống hoác. NSND Kim Xuân cho rằng việc bỏ về như vậy khiến hội đồng nghệ thuật thấy buồn và thiếu tôn trọng. Theo cô, các diễn viên đã xác nhận đến dự chương trình thì phải ngồi đến cuối.
Theo Gia Bảo
https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/phim/viet-huong-buc-xuc-doi-rut-phim-khoi-de-cu-ngoi-sao-xanh-2019-592931.html