Trước nhiều ý kiến cho rằng hoa và lá đu đủ đực “diệt” được tế bào ung thư, PGS.TS.BS Đoàn Hữu Nghị, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K đã lên tiếng.
Lâu nay, nhiều người vẫn truyền tai nhau hoa và lá cây đu đủ đực có thể chữa được bệnh ung thư. Ở một số khu chợ vẫn có người bày bán hoa đu đủ đực. Không ít người xem đây như “thần dược” “diệt” tế bào ung thư.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS.BS Đoàn Hữu Nghị, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội ung thư (Hà Nội) cho hay, có rất nhiều loại lá, thực phẩm được đồn là có khả năng “chữa khỏi” ung thư như hoa và lá đu đủ đực, nhuỵ hoa nghệ tây, tảo, tam thất, xạ đen… Tuy nhiên, thông tin các loại lá cây, thực phẩm có thể “chữa khỏi” ung thư hiện chưa được khoa học chứng minh.
“Tôi đã đi phỏng vấn vài chục gia đình nói đã chữa khỏi ung thư bằng cách uống hoa, lá đu đủ đực hay lá này, thuốc kia. Nhưng tôi đều thấy những điều họ nói chưa đúng”, PGS Nghị nói.
Nhiều người vẫn truyền tai nhau hoa và lá cây đu đủ đực có thể chữa được bệnh ung thư. Ảnh minh hoạ
Theo PGS Nghị, bản chất của ung thư là bệnh mạn tính (kéo dài), không phải bệnh cấp tính nên bệnh không gây tử vong ngay mà thường diễn biến từ từ và ngày một nặng lên. Mỗi một loại bệnh ung thư lại có thời gian phát triển bệnh khác nhau, có bệnh rất nhanh, nhưng cũng có những bệnh ung thư diễn biến chậm.
Vì vậy, việc một số thầy lang kê thuốc cho bệnh nhân ung thư uống, họ sống thêm được một thời gian thì nghĩ rằng đã “chữa khỏi” ung thư. Thế nhưng, người bệnh không biết rằng điều này là do ung thư diễn biến chậm chứ không phải uống thuốc của thầy lang mà sống thêm.
Phó Chủ tịch Hội ung thư cũng cho hay, những trường hợp nói uống hoa lá đu đủ đực “khỏi” ung thư đều là sự nhầm tưởng, sau đó được đồn thổi lên. Vì các loại ung thư khác nhau mức độ tiến triển sẽ khác nhau.
“Có những loại ung thư tiến triển rất chậm, dù không điều trị bệnh nhân vẫn có thể sống thêm 3-5 năm hoặc lâu hơn. Ví dụ như ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, ung thư tiền liệt tuyến độ ác tính thấp, ung thư da biểu mô tế bào đáy… tiến triển chậm khiến bệnh nhân nhầm tưởng uống lá có tác dụng. Điều này gây ra hậu quả lớn cho bệnh nhân, khiến họ mất đi cơ hội điều trị khỏi bệnh ở giai đoạn sớm”, PGS Nghị nhấn mạnh.
Theo thông tin từ Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện K, cho tới nay tác dụng chống ung thư của dịch chiết lá đu đủ mới được ghi nhận trong ống nghiệm và trên chuột. Một số loại tế bào ung thư nhạy cảm với dịch chiết lá đu đủ trong ống nghiệm là tế bào ung thư tiền liệt tuyến, gan, cổ tử cung, phổi, tụy, vú…
Dịch chiết lá đu đủ đã được chứng minh là làm giảm tính di căn của ung thư như giảm sự kết dính, di chuyển và xâm lấn bằng cách giảm chất nền ngoại bào – chất hoạt động như chất hấp dẫn hóa trị để kết dính và di chuyển tế bào. Tuy nhiên, các nghiên cứu còn hạn chế và tác dụng mới được ghi nhận trên số ít tế bào ung thư nên cần phải nghiên cứu thêm để khẳng định tác dụng của lá đu đủ.
Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện K khẳng định, cho tới nay chưa đủ bằng chứng khoa học để khẳng định tác dụng chống ung thư của lá đu đủ trên cơ thể người cũng như liều lượng, độc tính trên người. Dịch chiết lá đu đủ có thể có hiệu quả trên nhóm bệnh nhân bị giảm tiểu cầu do điều trị hóa chất. Trước khi sử dụng lá đu đủ, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.
Các chuyên gia ung bướu khuyến cáo ung thư biết sớm trị lành (khỏi bệnh). Vì vậy, người dân không nên tin vào những lời đồn thổi mà đánh mất đi cơ hội điều trị khỏi bệnh.
Gia Khiêm