Theo Bộ Công Thương, ít nhất 5 doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu cho gạo ST25 tại Mỹ nhưng vẫn chờ duyệt, do đó thương hiệu gạo của ông Hồ Quang Cua chưa mất.
Thông tin với VTC News, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong sáng 22/4, Cục đã kiểm tra thông tin và hệ thống đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ cho thấy hiện có 5 hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở trạng thái “đang kiểm tra”. Do đó, theo ông Phú thương hiệu gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua chưa thực sự bị mất tại thị trường Mỹ.
“Tuy nhiên, nếu thời gian tới doanh nghiệp không làm gì, không có động thái kịp thời để bảo vệ, bảo hộ thương hiệu thì có thể bị mất”, ông Phú cảnh báo. Phía Bộ Công Thương đã tư vấn cho doanh nghiệp ông Hồ Quang Cua – cha đẻ của thương hiệu gạo ST25 – để đăng ký thương hiệu ở Mỹ. “Ông Cua cần chứng minh mình là sở hữu của thương hiệu đó, ví dụ là người nghiên cứu, tạo ra giống gạo này, đưa đi thi và có giải gạo ngon nhất thế giới”, ông Vũ Bá Phú khẳng định.
Gạo ST25 từng đoạt giải nhất cuộc thi World’s Best Rice 2019.
Cũng theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại, từ năm ngoái, các doanh nghiệp có trụ sở ở California, Mỹ đã đăng ký và đang trong giai đoạn chờ để được bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại nước này.
Thứ nhất là nhãn hiệu “The world’s best rice gao thom ST25 dac san Soc Trang ngon nhat the gioi 100% tu nhien khong beo phi – khong tieu duong”, đăng ký ngày 22/10.
Nhãn hiệu thứ hai và ba chờ đăng ký trên trang USPTO đều tên ST25 do 2 đơn vị là I&T enterprise, Inc. Corporation và TTM International Inc. Corporation đăng ký lần lượt vào ngày 18/6 và 10/8.
Nhãn hiệu thứ tư và năm do Transworld Foods, Inc. Corporation đăng ký gồm “No.1 Vietnam ST25 rice the world’s best rice” và “Vietnam’s ST25 rice, dac san Soc Trang” đăng ký ngày 31/7 và 1/9. Trong đó, nhãn “No.1 Vietnam ST25 rice the world’s best rice” được mô tả thiết kế là hình hai bông lúa cách điệu với chữ No.1 ở phía trên, bên phải có dòng chữ Vietnam’s ST25 the wold’s best rice.
Việc bảo hộ thương hiệu hàm nghĩa một doanh nghiệp đã đăng ký sở hữu nhãn hiệu đó, các doanh nghiệp khác không được đăng ký trùng lắp. Như vậy, nếu 5 doanh nghiệp tại Mỹ thành công, phía ông Hồ Quang Cua và một số doanh nghiệp Việt Nam khác đang bán gạo ST25, sẽ không được sử dụng các cụm từ như “gạo ST25 ngon nhất thế giới”.
Tuy nhiên, thường USPTO sẽ mất khoảng 6 tháng để xét duyệt, nếu quá thời gian này mà không có khiếu kiện, cơ quan này sẽ cấp bảo hộ thương hiệu.
Do đó, để giữ được thương hiệu, doanh nghiệp phải cung cấp bằng chứng, chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của gạo ST25 trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường, mang sản phẩm đi tham dự. Ông Phú cho biết cũng đã liên hệ trực tiếp ông Hồ Quang Cua, đề nghị giới thiệu một số chuyên gia có hiểu biết, có năng lực về vấn đề này để giúp doanh nghiệp khẩn trương hoàn thành hồ sơ đăng ký với cơ quan Mỹ.
“Tuy nhiên doanh nghiệp phải thực sự có mong muốn và quyết tâm đòi lại thương hiệu” – ông Phú nói. Theo đó, doanh nghiệp phải chấp nhận mất thời gian, chi phí để thuê luật sư, chuyên gia, tìm hiểu từ cơ quan có thẩm quyền nhằm có thêm thông tin cho hồ sơ khi nộp cho cơ quan chức năng.
Kỹ sư Hồ Quang Cua – “cha đẻ” giống gạo ST25. (Ảnh: Nongnghiep.vn)
Sáng 22/4, trả lời VTC News, Kỹ sư Hồ Quang Cua xác nhận đã nắm được một số thông tin liên quan việc nhiều doanh nghiệp tại Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu giống gạo ST25.
Tuy nhiên, theo vị “cha đẻ’ của giống gạo này, việc “con cái” của mình được người khác đăng ký quyền bảo hộ hợp pháp, có trách nhiệm thì chưa hẳn là điều xấu. Ông cũng từ chối bàn sâu về vấn đề này. “Việc gạo được đăng ký bảo hộ thương hiệu là tốt, tôi xin không bàn mấy chuyện đó”, kỹ sư Hồ Quang Cua nói.
Trong khi đó, theo Luật Sở hữu trí tuệ, sản phẩm, thương hiệu nếu muốn được bảo hộ ở quốc gia khác thì doanh nghiệp phải đăng ký sở hữu trí tuệ, thương hiệu tại quốc gia đó. Do đó, doanh nghiệp Việt nếu muốn bảo hộ thì phải tự đăng ký và đăng ký theo mẫu mà cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ tại nước sở tại quy định.
Đối với gạo ST25, do đã có doanh nghiệp tại Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu, nên khi Việt Nam xuất khẩu loại gạo này sang Mỹ và muốn không vi phạm sở hữu trí tuệ thì buộc phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu ở Mỹ.
Còn theo Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang – đơn vị đang sở hữu bản quyền giống lúa ST25 tại Việt Nam – việc đăng ký bảo hộ thương hiệu hầu hết doanh nghiệp nào cũng làm được, dù bất cứ ở Việt Nam hay quốc gia nào, nếu đáp ứng đủ hồ sơ.
Theo Hòa Bình
https://vtc.vn/bo-cong-thuong-thuong-hieu-gao-st25-chua-mat-ong-cua-can-khan-truong-vao-cuoc-ar608010.html