logo

Lãi suất đồng loạt tăng mạnh: Tiền chảy mạnh, giật mình bất an

Ngày đăng: 20/02/2019 11:11

Ngay sau kỳ nghỉ Tết âm lịch, hàng loạt ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động, đẩy mạnh khuyến mãi để hút tiền gửi. Người có tiền gửi ngân hàng thì vui mừng, trong khi các DN lại bất an.

Dồn dập tăng lãi suất, khuyến mãi

Từ ngày 11/2, Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới. Theo đó, người gửi tiền kỳ hạn 6 tháng sẽ được hưởng lãi suất 6,3%/năm thay vì mức 6%/năm như trước đó. Các kỳ hạn khác tăng thêm 0,1-0,2 điểm phần trăm so với biểu lãi suất trước. Kỳ hạn 12 tháng cũng được điều chỉnh tăng lên mức 6,6%/năm và khách hàng gửi từ 3 tỷ đồng trở lên lãi suất là 7%/ năm.

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) từ ngày 12/2 áp dụng biểu lãi suất mới theo hướng tăng lãi suất kỳ hạn dài. Cụ thể, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng sẽ được hưởng lãi suất là 8,3%/năm, tăng 0,2% so với trước Tết Nguyên đán. Lãi suất gửi tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng cũng tăng lên 7,65%/năm kèm quà tặng.

Lãi suất đồng loạt tăng mạnh: Tiền chảy mạnh, giật mình bất an

Ra Tết, nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động tiền (ảnh minh họa)

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) áp dụng mức lãi suất 8,7%/năm kỳ hạn 24 tháng từ sau Tết, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) nâng lãi suất lên mức 8,6%/năm, Ngân hàng TMCP Bắc Á nâng lãi suất lên 8,4%/năm,…

Ngoài tăng lãi suất tiền gửi, nhiều ngân hàng cũng hút khách bằng các chương trình tặng quà, tùy theo khoản tiền gửi và kỳ hạn. Những chương trình như tặng tủ lạnh, thiết bị nhà bếp, đồ gia dụng, hay vàng 9999, tiền mặt, cộng lãi suất,… đang được các ngân hàng Hàng Hải, ACB, Eximbank, Sacombank, BIDV, OCB, ABBank,… triển khai kéo dài từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 4/2019.

Hiện tại mặt bằng lãi suất huy động đang duy trì ở mức cao. Với kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất dao động trong biên độ khá lớn, từ 5,5-8%/năm. Với kỳ hạn dài từ 1 năm trở lên, lãi suất phổ biến quanh mức 7-8,7%/năm. Trong đó lãi suất cao thuộc về các ngân hàng TMCP nhỏ. Lãi suất huy động cao nhất thuộc về ngân hàng Bản Việt, với kỳ hạn tiền gửi 6 tháng là 7,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 8%/năm và kỳ hạn 24 tháng là 8,6%/năm. Tuy nhiên, nếu gửi kỳ hạn 12 tháng, cao nhất lại thuộc về ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) lên tới 8,4%/năm và kỳ hạn 24 tháng, cao nhất là SHB với 8,7%/năm.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét, thông thường vào trước Tết Nguyên đán, một lượng tiền mặt lớn sẽ được các DN rút ra chi lương thưởng cho người lao động, còn người dân cũng rút tiền chi tiêu, mua sắm,… Do đó, các ngân hàng phải cung ra một lượng tiền lớn cuối năm. Sau Tết, các ngân hàng phải đưa ra những chính sách hấp dẫn để hút nguồn tiền về.

Ngoài ra, năm nay các tổ chức tín dụng còn phải cơ cấu lại nguồn vốn, nhằm bảo đảm tỷ lệ vốn vay ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 40% theo quy định. Vì vậy, việc tăng lãi suất, tăng khuyến mãi hút tiền gửi là điều tất yếu.

Lãi suất đồng loạt tăng mạnh: Tiền chảy mạnh, giật mình bất an

Tăng lãi suất, người gửi tiền vui mừng, các DN lo lắng (ảnh minh họa)

Lãi suất khó giảm, DN bất an

Theo nhận định của giới chuyên môn, lãi suất năm 2019 sẽ duy trì ở mức cao, khó có cơ hội giảm. Áp lực với lạm phát trong năm 2019 là không quá lớn, mục tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 13%, nhưng cạnh tranh huy động vốn, tăng thanh khoản luôn là nhiệm vụ hàng đầu của các ngân hàng ở mọi thời điểm, không chỉ tập trung vào các dịp lễ, Tết đầu năm hay cuối năm.

Dự báo năm 2019, nhu cầu đầu tư vào bất động sản của dân cư tăng. Làn sóng các nhà đầu tư đang đầu cơ vào đất vùng ven khu vực Hà Nội như Đông Anh, Hoài Đức tăng, vì thông tin 2 huyện này sắp tới sẽ đổi thành quận. Với TP.HCM, đầu tư bất động sản tại huyện Bình Chánh, Thủ Đức, quận 2,… cũng tiếp tục tăng. Vì vậy, nhiều người sẽ không gửi tiền vào ngân hàng mà còn rút về để có nguồn vốn đầu tư.

Cùng với đó, nhiều dự án bất động sản không thể chây ì, chậm tiến độ bởi sẽ bị thu hồi. Vì vậy, các nhà đầu tư quyết tìm nguồn vốn để thực hiện. Nếu vốn cho vay bất động sản bị  các ngân hàng bị siết chặt, họ sẽ huy động từ các nguồn khác bù đắp. Điều này khiến cho dòng tiền “chảy vào” tiết kiệm sẽ không cao như trước, buộc các ngân hàng phải duy trì lãi suất huy động ở mức cao để thu hút.

Ngoài ra vẫn có những ẩn số như: đồng Nhân dân tệ tiếp tục mất giá, sẽ gây sức ép lên tỷ giá USD/VND và gián tiếp gây sức ép lên lãi suất. Với USD, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất và giá cả hàng hóa thế giới nhất, là giá dầu thô biến động, sẽ tác động tới lãi suất.

Lãi suất huy động giữ ở mức cao sẽ gây áp lực lên lãi suất cho vay. Một số DN sản xuất hàng tiêu dùng tại Hà Nội lo ngại, sau Tết nguyên đán Kỷ hợi, nhu cầu vốn tăng nhưng vay không dễ dàng. Lãi suất cho vay từ ngày 15/2 của các ngân hàng TMCP tối thiểu cũng là 11%/năm với kỳ hạn ngắn và 12,5%/năm với trung dài hạn. Với lãi suất này, tính ra sản xuất kinh doanh không có lợi.

Theo các DN lãi suất ưu đãi 9%/năm trở xuống rất khó tiếp cận và điều kiện rất chặt chẽ. Còn vay với lãi suất cao như hiện nay DN rất khó tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Trong khi đó nhiều DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang sử dụng nguồn vốn vay từ công ty mẹ, hoặc từ nước ngoài thấp, chỉ 5%/năm, nên DN Việt rất mất lợi thế.

Với lãi suất cho vay cao kéo dài, chắc chắn nhiều DN sẽ đối mặt với khó khăn khi hội nhập ngày càng sâu rộng.

Theo Trần Thủy 

Theo VietNamNet

Tags: ,