logo

Test hít đất đơn giản đánh giá nguy cơ đột quỵ, đau tim

Ngày đăng: 17/02/2019 21:47

Bạn có thể hít đất liên tục bao nhiêu lần? Các nhà khoa học Harvard khẳng định điều đó sẽ phản ánh rõ nguy cơ xảy ra sự cố tim mạch như đột quỵ, đau tim, mắc bệnh tim… của bạn.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học JAMA Network Open do nhóm tác giả đến từ Đại học Harvard (Mỹ) thực hiện cho biết khả năng thực hiện bài thể dục đơn giản là hít dất (chống đẩy) có thể phản ánh nguy cơ xảy ra sự cố tim mạch tốt hơn cả phép đo nhịp tim gắng sức trên máy chạy bộ.
Test hít đất đơn giản đánh giá nguy cơ đột quỵ, đau tim - Ảnh 1.

Số lần hít đất có thể phản ánh nguy cơ xảy ra sự cố tim mạch của bạn – ảnh minh họa từ internet

Và chỉ bằng vài cái hít đất, bất cứ ai cũng có thể tự xem xét nguy cơ xảy ra các sự cố tim mạch của mình cao đến đâu để có phương án đề phòng.

Mốc quan trọng đầu tiên là con số 10. Hãy thử xem liệu bạn có thể hít đất liên tục trên 10 cái? Tiến sĩ Justin Yang, đến từ Trường Y tế công cộng Harvard TH Chan (đơn vị thành viên của Đại học Harvard) một trong các tác giả, cho biết với 10 cái hít đất liên tục trở lên, nguy cơ xảy ra các sự cố tim mạch như nguy cơ mắc bệnh tim tổng thể, nguy cơ đột quỵ, đau tim… của bạn bắt đầu giảm thấp.

Và với khả năng hít đất trên 40 cái liên tục, một người đàn ông trung niên có thể yên chí về tình trạng quả tim của mình: nguy cơ xảy ra sự cố tim mạch của họ giảm đến 96% so với những người chỉ có thể hít đất ít hơn 10 cái liên tục.

Theo các tác giả, ngoài phản ánh một trái tim khỏe mạnh, việc một người hít đất được nhiều cái liên tục còn cho thấy họ là người có thói quen vận động, tập luyện lành mạnh và điều đó góp phần giúp nguy cơ xảy ra sự số tim mạch của họ giảm thấp.

Giáo sư Stefanos Kales, tác giả cao cấp của nghiên cứu, cho biết các đánh giá hoạt động thể chất đang được sử dụng phổ biến là bảng câu hỏi về tiền sử bệnh, lối sống của bệnh nhân. Tuy nhiên khi được đánh giá khách quan hơn bằng các bài thể dục nhịp tim (CRF), kết quả thường xấu hơn bảng hỏi mà bệnh nhân cần trả lời.

 Theo giáo sư Kales, các công cụ đánh giá CRF hiện nay thường khá tốn kém và mất thời gian, cần thực hiện tại các cơ sở chuyên nghiệp và có nhân viên được đào tạo riêng. Vì vậy, nhóm nghiên cứu hy vọng sau phát hiện về mối liên quan rõ ràng giữa số lần hít đất và nguy cơ sự cố tim mạch, họ có thể thiết kế ra một công cụ đánh giá rẻ tiền, dễ tiếp cận và có giá trị chuẩn xác hơn về mặt y khoa.
Theo A.Thư (The Sun, Daily Mail)
Theo Người Lao Động

Tags: , ,